- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 bộ, ngành
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và 3 bộ, ngành
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát các dự án trọng điểm tại Đồng Nai
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Đoàn giám sát đồng chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự cuộc làm việc có các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Tích cực xây dựng văn bản hướng dẫn, nhiều chính sách nhanh đi vào cuộc sống
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Báo cáo của các Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, trên cơ sở các nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP, các bộ đều triển khai nhanh chóng việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không được giao nhiệm vụ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nên không ban hành văn bản.
Về kết quả triển khai các chính sách cụ thể tại Nghị quyết số 43, theo các báo cáo nêu trên, trong thực hiện nhiệm vụ sử dụng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó có sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp một phần chi phí cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại khu vực khó khăn; triển khai tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng cổng thông tin, các nền tảng dữ liệu… để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, chương trình “Sóng và máy tính cho em” chưa triển khai được; do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên hiện chưa thanh toán hết cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện 3 dự án với tổng số vốn 440 tỷ đồng, thuộc vốn đầu tư phát triển cho các dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, sau khi kế hoạch giao vốn cho 3 dự án được điều chỉnh, tỷ lệ giải ngân đạt 94,37% kế hoạch được giao.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong hai năm thực hiện Nghị quyết số 43, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương với tổng kinh phí là 3.679,3 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trong thực hiện hỗ trợ người lao động, 60 tỉnh, thành phố đã chi trả hỗ trợ cho 5.194.162 lượt lao động.
“Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ nhân lực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động góp phần phục hồi nhanh thị trường lao động”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề nhìn chung đều chậm, trong đó có một số dự án được giao vốn cuối năm 2022, đầu năm 2023 nên tiến độ không bảo đảm.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở các luật liên quan, văn bản hướng dẫn thi hành, các địa phương đã triển khai hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ và sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Số liệu các doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2022 tăng 7 lần so với năm 2021, một số doanh nghiệp Nhà nước có số trích lập và sử dụng Quỹ trong năm 2022 lớn.
Báo cáo kết quả đầu ra cụ thể của từng chính sách
Cơ bản nhất trí với báo cáo của các bộ, ngành và ghi nhận các bộ đều đã quan tâm, có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát, tổng hợp báo cáo của địa phương, các đơn vị chức năng và phối hợp với một số bộ ngành liên quan để báo cáo kết quả đầu ra của từng chính sách với số liệu minh họa cụ thể, định lượng được kết quả chi từ ngân sách Nhà nước; làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong triển khai các cơ chế, chính sách và đưa ra đề xuất cụ thể về sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid -19.
Ghi nhận các bộ, ngành đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện, trong đó một số chính sách mang lại hiệu quả tích cực, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng lưu ý, một số chính sách chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra khi ban hành Nghị quyết như việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích; việc chi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; một số dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội không được triển khai hiệu quả, kịp thời; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải xin giảm số kinh phí đã bố trí cho bộ và đề nghị không thực hiện 5 dự án đã đề xuất…
Ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, trên cơ sở các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn giám sát, các bộ cần tiếp tục rà soát, bổ sung các số liệu báo cáo cụ thể, hoàn thiện báo cáo để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.