Tại Hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân trình bày một số nội dung cơ bản trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 92 điều; so với Luật Đấu thầu năm 2013, giữ nguyên 2 điều, sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều và bãi bỏ 12 điều. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều; so với Luật Giá hiện hành, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung mới 3 chương.
Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đóng góp một số ý kiến liên quan đến: hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; vấn đề chỉ định thầu; đối tượng được ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; những trường hợp bị cấm tham gia đấu thầu; quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về giá; tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; sự cần thiết duy trì quỹ bình ổn giá và quỹ bình ổn xăng dầu; việc điều chỉnh quy định đăng ký hành nghề thẩm định giá…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân nhấn mạnh: việc xây dựng, ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc về thể chế, những bất cập của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý Nhà nước về đấu thầu, về giá; bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật với hệ thống pháp luật. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.