Chủ tịch Hạ viện Canada Greg Fegus, Chủ tịch Thượng viện Canada Raymonde Gagné đã khai mạc Đại hội đồng với sự tham dự của gần 400 đại biểu đến từ 49 nghị viện và các tổ chức thành viên APF, các Đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế cùng hơn 80 đại biểu thanh niên tham dự Kỳ họp lần thứ 10 của Diễn đàn nghị viện Pháp ngữ (PFJ).
Các phiên họp toàn thể diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch APF Francis Drouin. Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo báo cáo và trả lời chất vấn của các nghị sĩ, tập trung trao đổi các biện pháp của Cộng đồng Pháp ngữ nhằm thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố Bamako về dân chủ, quản trị tốt và quyền con người; hạn chế sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tăng cường sự phối hợp và hành động của OIF và APF; việc quảng bá tiếng Pháp, sử dụng tiếng Pháp tại Thế vận hội Olympic và các sáng kiến của OIF hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ và giáo dục số; thúc đẩy hợp tác liên khu vực đặc biệt là giữa các nước châu Á và châu Phi, việc thực hiện Chiến lược kinh tế, các chương trình hỗ trợ phụ nữ và thanh niên trong không gian Pháp ngữ…
Các hoạt động của OIF và APF thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng các quốc gia thành viên vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Với vai trò tích cực là tổ chức liên nghị viện hỗ trợ tiến trình dân chủ tại các quốc gia thành viên và đề xuất các biện pháp nhằm đồng hành cùng các quốc gia đang gặp khủng hoảng chính trị, APF đã thông qua Nghị quyết về tình hình tại Cộng hòa dân chủ Congo, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các nỗ lực nhằm giảm leo thang xung đột, tăng cường đối thoại và thực hiện các tiến trình hòa bình khu vực, khẳng định APF tiếp tục những hành động được khởi xướng thông qua ngoại giao nghị viện nhằm khôi phục hòa bình và an ninh ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và rộng hơn là ở Vùng Ngũ Đại Hồ, đáp ứng mong đợi của tất cả người dân trong khu vực nói tiếng Pháp.
Cùng với đó, Đại hội đồng đã thảo luận về tình hình chính trị tại nhiều quốc gia thành viên nhằm phát huy vai trò trung gian hòa giải của OIF và tái thiết lại hòa bình tại các quốc gia như Tchad, Mali, Burkina Faso, Guinee, Tunisie, Haiti…, tổ chức các đoàn quan sát viên bầu cử tại Tchad, Madagascar, Mauritanie.
Cùng với việc Cộng đồng Pháp ngữ đang triển khai tích cực Chiến lược số và những định hướng chiến lược về công nghệ số, kết nối số để thúc đẩy phát triển, tăng cường kết nối giữa các quốc gia, các đại biểu tham dự đã thảo luận chủ đề chung về “Trí tuệ nhân tạo phục vụ các nhà lập pháp: tiềm năng và rủi ro liên quan đến việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghị viện”, trao đổi về những lợi ích của AI đối với nghị viện như cải thiện tính minh bạch, tối ưu hóa các quy trình lập pháp, nhưng cũng nhấn mạnh các rủi ro liên quan đến việc sử dụng AI trong đó có nguy cơ thao túng thông tin, lộ lọt thông tin riêng tư và thảo luận các quy định cần thiết như thiết lập các nguyên tắc đạo đức, bảo đảm sử dụng AI một cách có trách nhiệm và minh bạch, thúc đẩy hợp tác liên nghị viện vì một khuôn khổ pháp lý chung.
Đại hội đồng cũng thông qua báo cáo ngân sách, các chương trình hợp tác liên nghị viện, báo cáo hoạt động của các Ủy ban, Mạng lưới và khu vực, kết nạp và chuyển đổi tư cách thành viên của Angola, Chrype, lãnh thổ Pondichery (Ấn Độ). Đại hội đồng đã bầu Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroun Hilarion Etong giữ vị trí Chủ tịch APF, bầu các thành viên Ban Chấp hành và các vị trí chủ chốt của APF, theo đó, Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch Mạng lưới nữ nghị sĩ APF nhiệm kỳ 2024 - 2026.
Trên cương vị Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2022-2024, Chủ tịch Phân ban Việt Nam Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo hoạt động của khu vực tại Ban Chấp hành và Đại hội đồng, nhấn mạnh những hoạt động tích cực của các Phân ban thành viên cũng như tình hình thời sự chính trị tại một số phân ban trong đó có thành công của các cuộc bầu cử tại Campuchia, tình hình căng thẳng tại Nouvelle - Calédonie.
Đại hội đồng và Ban Chấp hành hoan nghênh sự đóng góp tích cực của Quốc hội Việt Nam trong APF, đặc biệt là dự kiến tới đây tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF tại Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu thành viên đoàn đã tham gia tích cực tại các Ủy ban: Chính trị; Kinh tế, Xã hội và Môi trường, trao đổi về các hoạt động của Quốc hội Việt Nam, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Liên minh Nghị viện Pháp ngữ là tổ chức liên nghị viện quy tụ nghị viện/cơ quan lập pháp các quốc gia và các vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp, hiện gồm 93 thành viên. Được thành lập năm 1967 với mục tiêu đại diện ý chí và nguyện vọng của các dân tộc trong Cộng đồng Pháp ngữ bên cạnh các thể chế hành pháp của Cộng động, APF là cơ quan nghị viện tham vấn, hướng tới thúc đẩy nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền, đoàn kết, thúc đẩy đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, hợp tác vì sự phát triển bền vững và bao trùm.