Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc sử dụng ô tô cũ (chất lượng kém) dùng cho việc đào tạo, sát hạch lái xe tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 6 (khoản 2 Điều 2 Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27.9.2022) về xe tập lái trong quy định điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe ô tô như sau: Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe.
Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo. Xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn theo quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.
Bên cạnh đó, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất cắt giảm 3 điều kiện về Hệ thống phòng học chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe.
Cụ thể, Bộ đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 6 (được sửa đổi tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8.10.2018) quy định về hệ thống phòng học chuyên môn. Theo đó, phòng sử dụng học lý thuyết: có các trang thiết bị làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về các nội dung: pháp luật giao thông đường bộ, Đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông và phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ; trường hợp các thiết bị công nghệ thông tin chưa mô tả hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình, thì phải có hệ thống tranh vẽ.
Phòng sử dụng học Kỹ thuật ô tô: Có các thiết bị công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe; có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực và mô hình hệ thống điện; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe – cabin học lái xe (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); trường hợp, các thiết bị công nghệ thông tin chưa có sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...), thì phải có hệ thống tranh vẽ.
Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng học kỹ thuật ô tô phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; với lưu lượng dưới 500 học viên phải có ít nhất 2 phòng học; với lưu lượng từ 500 học viên đến 1000 học viên phải có ít nhất 4 phòng học; với lưu lượng 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 06 phòng học.