Gắn bó với nhạc dân gian để thỏa đam mê
“Yêu và ngấm âm nhạc dân gian từ nhỏ, cách đây 17 năm, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh. Ở nơi xa xôi, tôi vẫn nhớ về cội nguồn và luôn mong muốn quy tụ những người yêu nhạc từ miền Bắc vào phương Nam. Các loại hình đờn ca tài tử, chầu văn ở đây phát triển khá mạnh, nhưng hát xẩm, hát chèo thì ít người biểu diễn, người nghe. May mắn có một số người hưởng ứng, hầu hết là người trẻ, chúng tôi thành lập Câu lạc bộ Hát xẩm dân gian Đất Việt” - anh Lê Mạnh Cường, Chủ nhiệm CLB Hát xẩm dân gian Đất Việt, chia sẻ sau vài năm lan tỏa tình yêu âm nhạc, giới thiệu văn hóa phía Bắc tới công chúng miền Nam. Câu lạc bộ chào đón người yêu thích bộ môn nghệ thuật hát xẩm, dạy đàn nhị, hát xẩm và bộ gõ miễn phí.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống về chèo, dù không làm trong lĩnh vực âm nhạc, TS. Nguyễn Đức Minh (Hà Nội) có thể chơi được nhiều nhạc cụ, nắm vững hệ thống làn điệu chèo. Là soạn giả lời mới cho nhiều bài hát chèo, anh cho rằng, nếu chỉ nghiên cứu và học theo những gì cha ông để lại thì mãi mãi cũng chỉ có vậy. Để phát huy âm nhạc truyền thống cần phải cải biên, trong quá trình đó cái hay sẽ được giữ lại, cái không hay sẽ mất đi theo quy luật cuộc sống.
“Khi viết lời mới cho bài hát chèo, tôi thấy rằng phải bảo đảm các yếu tố: bố cục bài hát; vần trong chèo, phải có liên vần để tạo giai điệu nghe dễ vào, êm tai; lời phải có hình tượng, khắc vào tim người nghe những nội dung ấn tượng. Những ý trên khó gói vào một câu chuyện, bởi thường được ý mất vần, được vần thì mất hình ảnh, được ảnh thì mất bằng trắc... Nếu bảo đảm được các yếu tố ấy, sẽ có tác phẩm hay” - TS. Nguyễn Đức Minh chia sẻ.
Trong khi đó, nghệ nhân dân gian Lê Thành, người nhiều năm làm nhạc cụ dân tộc cho biết về “nghề âm thầm, luôn đứng sau nghệ sĩ”: “nghề của tôi tạo ra sản phẩm vô tri vô giác, nhưng nhờ ngón đàn tài hoa của các nghệ sĩ trên sân khấu đã tạo nên những âm thanh có hồn, có thể làm cho người nghe khóc, cười. Nên tôi đam mê nhạc cụ truyền thống, mày mò làm, và trở nên chuyên nghiệp, vừa sống bằng nghề, vừa thỏa chí đam mê”... Tới nay, ông vẫn gắn bó với bảo tồn nhạc cụ dân tộc, làm cho những cây đàn trở nên đẹp hơn...
Sau một thời gian dài âm nhạc truyền thống dần mai một, đến nay, một số người yêu nghệ thuật dân gian đã và đang góp phần đưa di sản này trở lại và phát triển trong đời sống đương đại.
Hiểu để kết nối truyền thống - hiện đại
TS. Nguyễn Đình Lâm, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, một số nhà nghiên cứu đưa ra phương pháp bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh như nghiên cứu, sưu tầm, số hóa, đưa vào bảo tàng, viện nghiên cứu, để thế hệ sau có thể tiếp cận. Còn bảo tồn động là có các hoạt động để âm nhạc dân gian sống được trong cộng đồng, trả lại người sáng tác, người hưởng thụ.
“Đúng là âm nhạc phải được sống trong cộng đồng, nhưng vấn đề đặt ra là âm nhạc mang tính lịch sử, xưa đến ngày hội, các cụ ứng tác, người hát tự nghĩ lời thơ và đưa vào giai điệu, giờ không còn như vậy. Bối cảnh xã hội và chức năng văn hóa đã khác, nên bảo tồn như thế nào? Theo tôi tất cả đều phải chuyên nghiệp hóa, ví, đúm, trống quân... phải có các câu lạc bộ, đội học các lòng bản, sau đó có người sáng tác lời, bởi biểu diễn ngày nay không thể ứng tác như xưa. Tùy từng giai đoạn, ta sẽ sáng tác lời khác nhau, nhưng lòng bản phải giữ” - TS. Nguyễn Đình Lâm góp ý.
Đồng tình với vấn đề cải biên trong âm nhạc truyền thống, nhà văn Lê Xuân Khoa lấy ví dụ chèo lời mới làm cho người nghe hiện nay dễ hiểu lời hơn, bớt phần í a. Bên cạnh đó, có thể đưa âm nhạc dân tộc vào các thể loại nhạc mới, tạo nhạc dân gian đương đại. Gần đây, nhạc dân gian đương đại khá phát triển, chẳng hạn đưa giai điệu hát xẩm vào nhạc hip hop, giai điệu chèo vào EDM... Tuy nhiên, việc sáng tạo này không đơn giản. Nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc, tạo sự hài hòa giữa nhạc truyền thống và hiện đại, làm nổi bật chất nhạc dân gian trong đó...
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bảo tồn âm nhạc dân tộc không chỉ trông chờ vào một vài tổ chức, cá nhân tâm huyết, mà cần có sự kết hợp của nhiều bên liên quan, tạo sự cân bằng từ đối tượng bảo tồn, kế thừa sáng tạo, tới đào tạo lớp công chúng biết thưởng thức, để âm nhạc truyền thống được lưu giữ lâu bền.