
Tham dự Hội nghị có: Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim; lãnh đạo các Ban, phòng và toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Báo đã công bố Quyết định của Văn phòng Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Đại biểu Nhân dân, có hiệu lực từ ngày 8.11.2022.

Theo đó, Báo Đại biểu Nhân dân là Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri, là báo loại I, có chức năng thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tuyên truyền về chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, ngoại giao nghị viện. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri; định hướng dư luận xã hội; đấu tranh, phê phán các tư tưởng sai trái, thù địch; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Giới thiệu chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới. Phổ biến, hướng dẫn thực thi pháp luật trong cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nâng cao quyền làm chủ đất nước của Nhân dân. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền chuyên đề cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Quyết định, Báo Đại biểu Nhân dân là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; có 6 Ban và 5 Phòng trực thuộc Ban, gồm: Ban Thư ký Tòa soạn, Ban Thời sự - Chính trị, Ban Công tác Hội đồng nhân dân và Phóng viên thường trú, Ban Chuyên đề; Ban Trị sự (gồm 3 phòng) và Ban Điện tử Đại biểu Nhân dân (gồm 2 phòng). Báo Đại biểu Nhân dân có Tổng Biên tập và không quá 3 Phó Tổng biên tập. Trong đó, Tổng Biên tập và các Phó Tổng biên tập do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật. Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Báo Đại biểu Nhân dân; các Phó Tổng biên tập giúp việc Tổng Biên tập và chịu trách nhiệm trước Tổng Biên tập và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định, hội nghị đối thoại giữa Đảng ủy, lãnh đạo Báo Đại biểu nhân dân với cán bộ, viên chức và người lao động là hoạt động thường niên, thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Báo, là dịp để Đảng ủy, lãnh đạo Báo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, viên chức và người lao động.

Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền vui mừng cho biết, trong năm 2022, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức chung, nhưng Báo Đại biểu Nhân dân đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, được cấp thẩm quyền xét trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý; đồng thời, bảo đảm đầy đủ các chế độ lương, thưởng cho cán bộ, viên chức và người lao động theo luật định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Để đạt được những kết quả này, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của tất cả cán bộ, viên chức và người lao động của Báo.
Nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ của Báo Đại biểu Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phê phán các tư tưởng sai trái, thù địch..., Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền đề nghị, các phóng viên, biên tập viên nêu cao tinh thần chủ động học hỏi, bồi dưỡng kỹ năng để hoàn thành tốt công tác chuyên môn; tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Tại Hội nghị, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cũng nêu rõ một số thẩm quyền mới được giao cho Báo Đại biểu Nhân dân về khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự. Với những thẩm quyền mới được giao, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn, các Ban, phòng, nhất là mỗi phóng viên, biên tập viên, người lao động tăng cường kết nối để luôn là tập thể đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, xây dựng Báo Đại biểu Nhân dân "Chuyên nghiệp - Đúng - Hay - Đẹp - Sang trọng - Bổ ích - Nhân văn" như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội.
Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, Đảng ủy, Lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân thời gian qua đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy dân chủ, động viên, khuyến khích và khơi dậy tinh thần làm việc hăng say, cống hiến hết mình trong toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Báo. Đặc biệt, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của Báo nhưng Đảng ủy, Lãnh đạo Báo, trực tiếp là đồng chí Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền đã có nhiều cách làm sáng tạo, bảo đảm đời sống cho cán bộ, viên chức và người lao động. Các ý kiến đều khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, các hoạt động kinh tế báo chí để xây dựng Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng phát triển.

Kết thúc hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cùng với dòng chảy không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Đại biểu Nhân dân, do đó, mỗi cán bộ, viên chức và người lao động cần tiếp tục phát huy hơn nữa các thành tích, kết quả đã đạt được, những việc đã làm tốt phải làm tốt hơn nữa, những việc còn hạn chế cần tập trung khắc phục; các Ban, phòng và toàn thể phóng viên, biên tập viên, người lao động đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị.