Thưa các đồng chí,
Sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc trong không khí hào hứng, dân chủ, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã hoàn tất những công việc theo chương trình đã đề ra. Các đại biểu đã tham gia các buổi làm việc một cách rất trách nhiệm, đông đủ, trong đó có những đồng chí cấp cao của Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các đại biểu đã nghe giới thiệu những nội dung cần thiết và cung cấp những tài liệu cơ bản phục vụ Hội nghị, đã tham gia thảo luận. Đã có gần 700 lượt phát biểu ý kiến. Các ý kiến đều rất thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm cao, vừa nói ý kiến của mình vừa phản ánh những thông tin dư luận về Nghị quyết. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị. Riêng đối với dự thảo Kế hoạch của Bộ Chính trị để triển khai thực hiện Nghị quyết này, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, đặc biệt là đối với các dự thảo Hướng dẫn thực hiện của các Ban và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Như vậy, Bộ Chính trị đã lường trước tình huống xây dựng Kế hoạch của Bộ Chính trị rất khó, Hướng dẫn thực hiện cụ thể lại càng khó. Cho nên, Bộ Chính trị chưa ký và ban hành ngay Kế hoạch này. Nhân Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị đã dành thời gian thích đáng để đại biểu góp ý kiến vào các dự thảo. Tổng hợp bước đầu cho thấy, các ý kiến đóng góp của đại biểu rất quý báu, quan trọng và xác đáng. Bộ Chính trị sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến, thể hiện đầy đủ trong văn bản, rồi mới ký ban hành.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu nêu ra hoặc còn băn khoăn.
Về Hội nghị lần này, hầu hết các đại biểu đều đánh giá rất cao cách làm này. Tổng hợp thảo luận tại các tổ, các ý kiến phản ánh: việc Bộ Chính trị chủ trương triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc lần này là cần thiết, mặc dù có mất thời gian và tốn kém, nhưng đây là sự chấp hành ý kiến của Trung ương là phải tăng cường thông tin, báo cáo một cách kịp thời hơn, quán triệt và cùng nhau thống nhất nhận thức. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy, dư luận xã hội, nhất là trong các cụ lão thành, đảng viên, rất đồng tình, ủng hộ Hội nghị của chúng ta, tạo sự đồng thuận tốt. Thậm chí, có ý kiến gọi đây là Hội nghị Diên Hồng; hơn thế, Hội nghị Diên Hồng chưa đủ mà đây là Hội nghị mang tính chất chính trị đặc biệt. Hôm qua có tờ báo đã rút title và bình về Hội nghị của chúng ta như thế.
Ý kiến phát biểu tại các tổ của Hội nghị lần này đều rất hồ hởi, có ý kiến thẳng thắn bày tỏ, trước đây nghe Nghị quyết, Chỉ thị cũng rất lo không biết sẽ làm thế nào, nhưng đến Hội nghị, qua tiếp xúc với các văn bản thì bước đầu thấy tin hơn, yên tâm hơn. Đây vừa là quyết tâm, thống nhất với Nghị quyết đã đành, nhưng cái chính là rõ thêm về những biện pháp, cách làm cụ thể để dễ thực hiện và thống nhất làm từ trên xuống dưới. Nói như thế để thấy rằng, chúng ta vui mừng với những việc đang làm, yên tâm với cái việc chúng ta đang đi, không chập chờn, băn khoăn gì cả.
Các đại biểu đều đánh giá cao Nghị quyết, Chỉ thị và phát biểu của Tổng bí thư khai mạc, bế mạc Hội nghị Trung ương 4 cũng như bài khai mạc tại Hội nghị lần này. Đây không phải là cá nhân Tổng bí thư. Tôi chỉ là người biểu đạt, truyền đạt ý kiến của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng đã bàn, cho tư tưởng chỉ đạo. Việc các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao các bài phát biểu này là rất mừng vì đây là sự đánh giá cao Trung ương, đánh giá cao Bộ Chính trị.
Để kết thúc Hội nghị, tôi xin báo cáo thêm 6 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là chúng ta vẫn còn băn khoăn, lo là thực hiện như thế nào? Mừng rồi, có thể tin rồi, rõ cách làm rồi nhưng vẫn thấy khó lắm, liệu có làm được không? Làm từ đâu? Cách làm thế nào? Và tâm trạng chung trong xã hội cũng như thế: chờ đợi và hy vọng. Tâm trạng này là có thật. Nhưng cũng phải nói ngược lại: chưa ra trận đã lo đánh có thắng hay không – thế thì ngập ngừng rồi. Nếu đã quyết tâm làm thì phải tìm mọi cách để làm, khó mấy cũng phải làm. Như tinh thần họp Bộ Chính trị đã bàn là quyết tâm cao, thống nhất cao, khó cũng phải làm vì nếu không làm là nguy cơ đến Đảng và chế độ. Mong các đồng chí hết sức thấm thía điều này và truyền cho bên dưới. Chúng ta quyết tâm, nhân dân đang ủng hộ, từ người trẻ đến người già... đều hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4. Nhiều bức thư gửi đến Trung ương, Bộ Chính trị viết rất xúc động. Tại sao lại không tin là không làm được?
Liên quan đến Nghị quyết Trung ương 4, điều các đồng chí băn khoăn rất đúng là liệu thời gian như vậy có gấp quá không? Nghe có vẻ cập rập quá và làm phải hết sức thận trọng. Như chúng tôi đã nói nhiều lần là phải tỉnh táo, bình tĩnh, khách quan, không nóng vội, làm bước nào chắc bước ấy. Rõ ràng, qua ý kiến các đồng chí, trong Kế hoạch sắp tới sẽ dẫn tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết, như lộ trình dự kiến hiện nay là quá cập rập. Biết bao nhiêu công việc phải làm. Riêng Ban Tổ chức Trung ương đang phải chuẩn bị gần 40 đề án trình Bộ Chính trị, chưa kể các Ban khác của Đảng. Đấy là nói riêng trên Trung ương. Nhiệm vụ thường xuyên phải tiếp tục thực hiện. Hôm qua, nhiều tổ nói rất đúng: chỉ riêng một việc là gợi ý lấy ý kiến nhưng gợi ý lấy ý kiến theo kiểu nào? Các địa phương cũng có rất nhiều công việc phải giải quyết. Giãn tiến độ là điều rất cần thiết, vẫn với tinh thần làm quyết liệt, tạo chuyển biến, nhưng không thể nóng vội; vì nếu không cẩn thận nó sẽ đẻ số ra, sai một li đi một dặm, đây lại là vấn đề hết sức nhạy cảm. Trong dư luận đang chờ xem Bộ Chính trị làm thế nào?
Nhóm vấn đề thứ hai, xung quanh vấn đề kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Đây là vấn đề quan trọng, hệ trọng nhưng cũng cực kỳ khó mà lại là khâu mở đầu, mấu chốt.
Xung quanh tự phê bình và phê bình có mấy khía cạnh cần quan tâm. Thứ nhất là về nội dung phê bình là những cái gì? Có ý kiến cho rằng, chúng tôi vừa kiểm điểm cuối năm xong, bây giờ lại làm lại? Vả lại bây giờ làm sau đó cuối năm nay lại làm tiếp – như vậy có trùng lắp không? Chỗ này, đề nghị các đồng chí phải nắm rất chắc: về nội dung lần này chúng ta không bàn tràn lan, chỉ tập trung vào ba nội dung. Còn kiểm điểm cuối năm là kiểm điểm công việc hàng năm: hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu? Có gì phải rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo không? Nhưng lần này là một đợt sinh hoạt về tự phê bình và phê bình, tập trung vào ba nội dung . Nói là hoàn thành nhiệm vụ – hoàn toàn đúng - đánh giá cán bộ trước hết phải căn cứ vào xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Nhưng đúng mà chưa đủ. Cũng là hoàn thành nhưng còn bao nhiêu vấn đề khác: Làm với động cơ gì? Quá trình làm như thế nào? Vả lại, đây là kiểm điểm về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Thực tế hiện nay, kiểm điểm cuối năm bao giờ cũng thấy lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, với chế độ – có thật thế không? Ai đo đếm được, rất trừu tượng. Trong quá trình làm việc còn bao nhiêu việc khác, đâu phải chỉ có hoàn thành nhiệm vụ. Hoàn thành nhiệm vụ, nếu không cẩn thận sẽ là thành tích thì nhận của mình, còn khuyết điểm lại đổ cho người khác, cho tập thể, cho khách quan, cho cơ chế...? Cho nên, lần này nội dung kiểm điểm như nêu trong Nghị quyết và Chỉ thị của Bộ Chính trị là: cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo nội dung Nghị quyết đã nêu. Cụ thể là ba vấn đề: một là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. Hai là những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo quản lý và sự phát triển của ngành, địa phương, nhất là trong quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Ba là những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; quyền hạn trách nhiệm cá nhân; nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Rất rõ. Trong ba vấn đề này thì vấn đề thứ nhất là xuyên suốt. Lần này không kiểm điểm hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Liên quan đến thời gian, cũng có ý kiến hỏi: thời gian kiểm điểm tính từ năm nào, nhiệm kỳ nào? Với những nội dung này thì làm gì có nhiệm kỳ cho tư tưởng chính trị, hay phẩm chất, đạo đức, lối sống? Ngay tên gọi của Nghị quyết là Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay thì Bộ Chính trị đã bàn rất kỹ là: cho đến thời điểm hiện nay, với những nội dung kiểm điểm như thế này, anh đang thế nào? Đương nhiên sắp tới phải cụ thể hóa, nếu chỉ nói một câu chung chung thì khó, nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Kiểm điểm lần này phải gắn với 19 điều đảng viên không được làm. Chúng tôi đã cho đăng công khai Quy định những điều đảng viên không được làm để toàn Đảng, toàn dân biết và giám sát. Bây giờ việc kiểm điểm cứ bám vào 19 điều mà trả lời đã thấy rất khác rồi: Anh có nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng không? Anh có lợi dụng chức quyền để cho người thân, gia đình, vợ (chồng), con... đi nước ngoài không? Anh có dùng công quỹ để tặng quà hay không?...
Còn về tư tưởng chính trị, có ý kiến hỏi: suy thoái về tư tưởng chính trị là cái gì, suy thoái về đạo đức, lối sống là cái gì thì sắp tới phải cụ thể hóa nữa. Nhưng trong Nghị quyết đã nói rất rõ: tư tưởng chính trị, sự suy thoái thể hiện ở chỗ phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa; dao động, thiếu niềm tin; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân; không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng... Ở từng điểm này cần phải có sự rà xét lại xem có thật lòng vì chủ nghĩa xã hội và kiên định đường lối, lý tưởng không? Có theo đúng đường lối đổi mới kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không? Quan hệ quốc tế thế nào? Giữ vững độc lập chủ quyền thế nào? Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết nói hết rồi. Vậy anh có nói khác với Cương lĩnh không?...
Nhưng đúng như các đồng chí đã nói, tư tưởng chính trị rất trừu tượng, không đo đếm được. Như hôm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương tôi đã nói là nhiều khi trong đầu nghĩ thế mà không nói thế, nói thế mà không làm thế; yêu thì nói là ghét, ghét lại nói là yêu, gần thì nói tớ thân cậu, nhưng đằng sau lại xúi bẩy, nói xấu... – thế nó là cái gì? Đấy là về tình cảm, còn về lý tưởng thì sao? Phải thật sự nghiêm túc chỗ này để thấy rằng lần kiểm điểm này hoàn toàn khác với kiểm điểm cuối năm. Đây là vấn đề cốt tử. Vì sao Liên Xô sụp đổ? Là vì anh phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa; anh cơ hội, hữu khuynh, tê liệt sức chiến đấu, không phản ứng trước hiện tượng nói bậy, nói sai; đảng viên nói trái đường lối, cương lĩnh. Thế thì làm sao có sức mạnh được?... Vậy bây giờ có chấn chỉnh lại không? Từng đồng chí kiểm điểm xem mình có chuyện như vậy không? Sinh hoạt đảng có đều không, hay là bỏ sinh hoạt suốt? Có thật coi trọng công tác xây dựng Đảng hay chỉ nặng chuyên môn mà rất ngại họp đảng?
Về đạo đức, lối sống, sự suy thoái thể hiện ở chỗ nào? Nghị quyết nói rất rõ, đó là lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, người đương chức cũng như đã nghỉ hưu. Vậy bản thân mình có không? Đấy chính là phẩm chất, đạo đức, lối sống. Kiểm điểm là kiểm điểm những vấn đề ấy, đi thẳng vào! Tôi đề nghị, các bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, nêu câu hỏi và cứ thế trả lời vào những vấn đề cụ thể: có hay không? Tại ai? Tại cơ chế, tại khách quan hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện?
Cho nên, thứ hai là một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo – có hay không? Tại sao người ta nói chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua...? Và người ta cũng hỏi chạy ai? Nghe rất nặng nề. Tại sao người ta lại nói: đi nặng thì về nặng, đi nhẹ thì về nhẹ, đi không thì về không – nó là cái gì? Hay trong công tác cán bộ thì thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ và thứ tư mới đến trí tuệ – nó là cái gì? Là những người cộng sản, mình có suy nghĩ gì không? Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ như thế nào? Phong cách thì quan liêu, xa dân – ra thăm đồng thì mặc comple, đi giầy và có người che ô – Bác Hồ có làm thế không? Một cái việc là phải đổi mới phong cách làm việc đi, gần dân hơn – thế mà cứ nhiệt liệt chào mừng các đồng chí về thăm, làm việc…? Phải biết nghe dân, người ta nói không phải vì cái chuyện tốn kém mà vấn đề ở đây là phong cách. Học tấm gương đạo đức, phong cách của Bác thì có thể làm ngay từ những việc nhỏ như vậy, đâu cần chờ cơ chế mà cũng không tốn kém tiền của.
Về vai trò của người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể, với tổ chức, với cấp ủy. Trong Báo cáo cũng như phát biểu đã phân tích rất nhiều: độc đoán, chuyên quyền, sai đổ cho tập thể, thành tích nhận của mình... – vậy tất cả những cái này chúng ta có kiểm điểm sửa không?
Thứ ba, về đối tượng, trong Chỉ thị của Bộ Chính trị ghi rõ: tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở đều phải kiểm điểm. Bệnh tật này đâu phải chỉ ở cán bộ quản lý? Thế còn cán bộ ở cơ sở, đảng viên thường thì thế nào? Thế nên mới nói là không đứng ngoài mà phán, coi như mình vô can, chỉ chờ xem các ông làm thế nào. Tất cả đều phải làm trên cương vị của mình. Bác Hồ nói là từ người Chủ tịch Nước đến người nấu cơm, quét rác đều phải kiểm điểm trên cương vị của mình. Nếu hiểu chỉ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải kiểm điểm là lệch và chỉ có cấp trên mới phải kiểm điểm lại càng lệch. Mà vấn đề cách làm là từ trên xuống dưới và bên trên phải nêu gương, chứ không phải chỉ có làm ở trên.
Thứ tư là nơi kiểm điểm ở đâu? Trong Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nói rất rõ, các cấp ủy viên kiểm điểm ở Chi bộ, Ban thường vụ; nơi không có Ban thường vụ kiểm điểm ở cấp ủy hoặc Ban cán sự Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan; còn các đảng viên khác kiểm điểm tại Chi bộ đang sinh hoạt.
Thứ năm, về cách làm. Khó nhất là cách làm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư bàn rất nhiều lần, tinh thần là rất kiên trì, kiên định, quyết liệt nhưng không phải đao to búa lớn. Trong Chỉ thị và dự thảo Kế hoạch của Bộ Chính trị cũng như nhiều lần tôi đã nói: không chờ mở hội nghị, không chờ cơ chế, chính sách, hướng dẫn, từng đồng chí xem lại mình luôn. Còn chờ gì nữa? Chẳng lẽ cứ mang nhau ra kiểm điểm mới là hay? Trên cơ sở những nội dung kiểm điểm, mỗi cá nhân tự soi lại mình, soi lại đơn vị, gia đình, con cái... Có thể điều chỉnh được ngay – thế là tốt nhất. Còn chờ đến khi kiểm điểm, đưa ra xử lý kỷ luật, xử lý trước pháp luật là hạ sách. Pháp luật là tối thượng nhưng nhân văn mới là quan trọng. Pháp trị nhưng phải có đức trị. Người Á đông chúng ta là thế! Bác Hồ ngày xưa có bao nhiêu luật? Một tấm gương, một động tác, một việc làm của Bác có sức mạnh biết bao nhiêu, thiêng liêng và có chiều sâu xa biết bao nhiêu mà người ta vô cùng kính trọng, bền vững. Nói là pháp lý nhưng mà phải đạo lý. Cũng có ý kiến cho rằng, cái này luật pháp không cấm tôi làm. Đúng là có cái pháp luật không cấm, nhưng đạo đức, đạo lý dân tộc không cho phép làm. Pháp lý và đạo lý – cái nào thiêng liêng hơn, sâu xa, bền vững hơn, có niềm tin vững chắc hơn? Cho nên, ngay bây giờ mỗi người chúng ta có thể tự điều chỉnh lại mình: có tư lợi, cục bộ, lợi ích nhóm không? Có thật sự trung thành với Đảng, thật lòng trong sáng không? Tự mình điều chỉnh là tuyệt vời nhất. Đây sẽ tạo ra niềm tin sâu sắc, bền vững. Đương nhiên ở đời không phải chỉ trông vào tự giác. Rất khó. Nhưng khó nên mới phải có tập thể góp ý kiến, giúp đỡ. Tập thể góp ý kiến không nghe thì phải thi hành kỷ luật trong Đảng. Vi phạm kỷ luật, pháp luật của Nhà nước thì thi hành kỷ luật rồi đưa ra Tòa án. Ngoài ra còn có nhiều biện pháp hỗ trợ khác như: nhân dân giám sát, MTTQ giám sát, báo chí giám sát, công luận lên án... Lần này chúng ta đưa ra các biện pháp tổng hợp. Cho nên, về cách làm tôi tha thiết đề nghị các đại biểu sau khi dự Hội nghị này phải truyền đạt xuống bên dưới và thống nhất cách làm nêu trên. Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tuần tự theo thứ tự đã nêu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, nếu kiểm điểm chưa được thì làm lại, rồi thông báo kết quả. Tôi nghĩ bên dưới chắc cũng phải sợ, phải làm; không lẽ đứt dây thần kinh vô cảm, xấu hổ đến mức ấy nữa (?). Do đó, lần này Bộ Chính trị cho rằng không làm thí điểm kiểm điểm nữa mà tất cả cùng làm. Về tự phê bình và phê bình sau này phải có kế hoạch rất chi tiết, làm trước từng bước như thế, song không cắt khúc.
Thứ sáu, còn cách lấy ý kiến, lấy góp ý như thế nào? Xác định phạm vi đối tượng là những ai? Góp bằng văn bản hay góp tại Hội nghị? Lấy ý kiến thì độ chính xác đến đâu, công khai đến đâu? Thông tin có tin cậy không hay nhân dịp này lại nói xấu nhằm hạ bệ nhau? Những lo lắng này đều rất đúng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất trăn trở chỗ này, nhưng chúng ta phải có niềm tin... Trước khi mở hội nghị kiểm điểm phải chuẩn bị thật kỹ. Phải tổ chức lấy góp ý cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị cùng cấp và các nguyên ủy viên cùng cấp. Góp ý kiến rồi thì phải niêm phong, bảo mật các ý kiến đó. Nhưng rõ ràng phạm vi nào cũng phải kiểm tra, ai đưa thông tin ra cũng phải kiểm chứng. Bộ Chính trị sẽ bàn kỹ thêm về cách lấy phiếu tín nhiệm, lấy phiếu góp ý. Phải rất chặt chẽ, kín kẽ chỗ này. Tinh thần hết sức trân trọng nhưng chúng ta phải có cách làm, chứ không phải ra hội nghị phát biểu về từng cá nhân, và cũng không gửi dự thảo hướng dẫn xuống trước. Trên cơ sở gợi ý kiểm điểm rồi mới viết gợi ý kiểm điểm của tập thể. Tập thể viết gợi ý kiểm điểm xong rồi thì mới viết kiểm điểm của cá nhân liên quan đến tập thể rồi thông báo lại kết quả. Riêng về cách lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến băn khoăn, nếu không cẩn thận thì sẽ không phản ánh đúng bản chất. Cho nên phải thống nhất với nhau về tiêu chí và phải trong sáng, tự tâm mỗi người. Nếu trước khi chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại vận động, gọi điện ủng hộ tớ nhé, cho phiếu tớ nhé – thì sẽ làm sai lệch kết quả. Nhưng chúng ta phải giám sát, nếu có ai làm việc này thì qua việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ. Cho nên, đây là dịp để chúng ta hiểu cán bộ đối với việc tự phê bình và phê bình, đây là căn cứ để xem xét sắp tới có đưa vào quy hoạch cán bộ hay không? Có nhiều biện pháp. Cho nên cái gì cũng có mặt phải và mặt trái, chúng ta cố gắng phát huy mặt phải và hạn chế tối đa mặt trái.
Sau đợt kiểm điểm này thì thế nào? Trong Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nói rất rõ, sau đợt này thì làm nền nếp hàng năm, kiểm điểm về nhiệm vụ công tác cuối năm kết hợp với kiểm điểm tự phê bình và phê bình, gắn với giải quyết những vấn đề cụ thể ở địa phương và lấy phiếu tín nhiệm.
Một ý nữa về tự phê bình và phê bình các đồng chí băn khoăn làm thế nào để bảo vệ được người góp ý kiến, chống trù dập. Cái này rất đúng. Đề nghị bộ phận hướng dẫn mai kia nên có quy chế về vấn đề này, nêu rõ ý này. Phải có cơ chế bảo vệ những người chốëng tham nhũng, những người phê bình, tự phê bình. Một ý nữa về tự phê bình và phê bình là chỉ đạo báo chí thế nào? Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương phải có quy chế chặt chẽ cụ thể. Đây là việc làm thường xuyên, bình thường, lâu dài trong nội bộ Đảng. Đương nhiên là phải có cái công khai nhưng không phải tất cả đều đưa lên mặt báo, đều nói ra ngoài sau khi kiểm điểm. Nói ra bên ngoài để làm cái gì? Chúng ta giúp nhau cốt tự thấy để sửa. Nói chân thành với nhau, thương yêu nhau, nói với sự chân tình đồng chí. Cho nên tại sao nói phải tỉnh táo, bình tĩnh, không được để các thế lực xấu có cơ hội lợi dụng. Từng nhà báo đảng viên cũng phải kiểm điểm. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí kiểm điểm đi, trước hết là các đồng chí Trung ương, tổng biên tập có quán triệt tinh thần Trung ương, có làm theo không, hay là cứ làm ngược, làm trái? Nói chỉ đạo báo chí không phải là ngăn cản báo chí. Gần 30 năm làm báo tôi rất thông cảm với anh em báo chí, biết anh em báo chí làm như thế nào, nhưng phải có kỷ luật, kỷ cương. Hôm trước, đến Thông tấn xã Việt Nam, tôi đã nói báo chí cần đổi mới, nhưng trên nguyên tắc đây là mặt trận tư tưởng của Đảng. Chúng ta là những chiến sỹ trên mặt trận này, phải hết sức tỉnh táo.
Nhóm vấn đề thứ ba, liên quan đến học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Chúng ta đã có kế hoạch, bây giờ có phải làm lại hay không? Theo quyết định mới của Bộ Chính trị thì Chỉ thị 03 không còn gọi là Cuộc vận động mà bây giờ là đưa vào thành việc làm thường xuyên gắn với công việc cụ thể, hàng ngày.
Nhóm vấn đề thứ tư, các đồng chí đề nghị giải thích một số khái niệm: tư tưởng chính trị hay chính trị tư tưởng, hay là chính trị, tư tưởng? Đại hội XI của Đảng viết là chính trị, tư tưởng sao bây giờ lại nói là tư tưởng chính trị? Hôm trước Bộ Chính trị cũng bàn. Hai cách nói này không hoàn toàn khác nhau nhưng cũng không hoàn toàn trùng khớp nhau. Ta thường nói xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nói chính trị là nói Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, hệ tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị. Về tư tưởng thì khác, rất nhiều thứ tư tưởng. Về tổ chức thì có nguyên tắc tổ chức, cơ cấu tổ chức, phương thức lãnh đạo, cách làm việc, lề lối làm việc. Thế còn nếu nói suy thoái về chính trị, tư tưởng – suy thoái về chính trị có nghĩa là suy thoái về đường lối? Suy thoái về định hướng rất cơ bản? Nhưng nếu nói về suy thoái tư tưởng chung thì tư tưởng cá nhân, tư tưởng cục bộ, tư tưởng bản vị, tư tưởng bè cánh – lắm thứ tư tưởng, đây là tư tưởng chính trị, mang tính chính trị. Thế thì dùng thuật ngữ này có chuẩn xác hay không? Anh nào cũng có cả. Tư tưởng chính trị anh theo khuynh hướng nào, anh đứng trên lập trường nào, anh theo quan điểm nào, đứng về phía ai, bảo vệ ai - đấy là tư tưởng chính trị. Còn tư tưởng kèn cựa địa vị... thì nó lại khác. Cho nên dùng chữ tư tưởng chính trị là theo nghĩa đấy. Xem lại các Nghị quyết trước đây về xây dựng Đảng đều viết là tư tưởng chính trị, thậm chí có chỗ nói mức độ hơn là nhận thức tư tưởng chính trị. Nhận thức thì mức độ nó lại khác. Do nhận thức chưa tốt nó dẫn đến tư tưởng chính trị. Nếu quy thành tư tưởng chính trị thì nó nặng quá, lớn quá. Ở đây ta đứng về từng cá nhân thôi. Các đồng chí hỏi lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, lỗi hệ thống là thế nào - nghe nó mới mới, lạ lạ? Đây là những thuật ngữ mà gần đây cũng hay dùng và chắc là cũng ảnh hưởng theo cách dùng của nước ngoài. Hiểu nôm na, phổ thông có phải thế này không: nói lợi ích nhóm đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau, ông mất chân giò thì bà thò chai rượu, đôi bên cùng có lợi, chung nhau làm ăn vì lợi ích. Người ta bảo ở đời chẳng ai cho không ai cái gì. Muốn thế thì trước hết phải có hòn xôi đấm miệng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn... Nói lợi ích nhóm là theo cái kiểu như thế, không vì đại cục, không vì cái lớn. Tại sao ngày xưa Marx nói khi tư bản đầu sỏ tài chính mà cấu kết với quyền lực chính trị thì chi phối xã hội ghê gớm lắm.
Thế còn tư duy nhiệm kỳ, đúng là gần đây cũng có dùng thuật ngữ này nhưng tôi cũng rất cẩn thận khi phát biểu ở Hội nghị Trung ương là chỉ đặt trong ngoặc kép. Tư duy nhiệm kỳ có cả hai mặt tích cực và tiêu cực nhưng đây nói chắc là nói ở khía cạnh tiêu cực, ý là tranh thủ trong nhiệm kỳ này mình lên thì phải làm cái gì để đánh bóng, để lại dấu ấn, chạy cho được mấy dự án, làm cho được một công trình. Thế thì mặt tích cực cũng có, nhưng mà sắp nghỉ đến nơi rồi thì thời gian cuối làm từ từ thôi để hạ cánh an toàn, cố gắng đề bạt người thân quen, mình về nghỉ là cài cắm được người thân cận. Tư duy nhiệm kỳ, chỉ nhìn thấy trước mắt, không nhìn thấy lâu dài. Trước mắt có lợi ích để đánh bóng mình còn lâu dài thế nào thì mặc kệ thế hệ sau. Chắc tư duy nhiệm kỳ là hiểu theo như thế.
Thế còn lỗi hệ thống cũng được dùng gần đây. Tôi cũng hiểu nói lỗi hệ thống là nói về bản chất, về cơ cấu, về hệ tư tưởng. Tại sao hôm trước, bài phát biểu của tôi nói là chủ nghĩa tư bản mâu thuẫn cơ bản chưa giải quyết được mà ngày càng sâu sắc hơn, và cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng tài chính vừa rồi là biểu hiện của sự khủng hoảng này - đây là lỗi hệ thống, tức là sai từ trong bản chất, từ trong cơ chế. Bây giờ phải sửa là sửa thế.
Nhóm vấn đề thứ năm, các đồng chí có góp ý nhiều vào dự thảo văn bản hướng dẫn, hình như lúc đầu tôi có nói là các đồng chí bảo nhiều quá, đúng là chưa kỹ, cảm giác là còn vội, chưa khớp nhau. Tuyên giáo có 3 - 4 văn bản. Nên chăng là 1 thôi, các đồng chí góp ý chúng tôi thấy cũng rất là hợp lý. Văn bản hướng dẫn là rất quan trọng.
Nhóm vấn đề thứ sáu, cũng có ý kiến nêu vấn đề tại sao lần này không lập Ban chỉ đạo? Trung ương đã bàn và Bộ Chính trị chấp hành ý kiến của Trung ương là không lập Ban chỉ đạo các cấp mà phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư (cụ thể là Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Trưởng ban Dân vận Trung ương) và ở địa phương là một số đồng chí thường vụ.
Trên đây là 6 loại vấn đề mà trong quá trình thảo luận các đại biểu còn băn khoăn. Tôi hy vọng, sau Hội nghị lần này, chúng ta có thêm những thông tin mới, nhất là quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, có thêm khí thế mới, quyết tâm mới, niềm tin mới để chỉ đạo thực hiện tốt các bước tiếp theo trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Đương nhiên còn nhiều nội dung và nhiều Nghị quyết khác phải triển khai thực hiện, không phải chúng ta đóng cửa để xây dựng Đảng. Nhưng qua đợt này, chúng ta cùng làm cho Đảng ngày càng trong sạch hơn; mỗi cán bộ, đảng viên tiến bộ hơn; nội bộ đoàn kết tốt hơn; nhiệm vụ chính trị hoàn thành xuất sắc hơn; được dân tin hơn, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó máu thịt hơn. Và Đảng của chúng ta dứt khoát phải mãi mãi vững mạnh, mãi mãi trường tồn.