Dân dĩ thực vi tiên

“Dân dĩ thưc vi tiên”, câu tục ngữ này của người Hoa, không biết xuất xứ ở triều đại nào bên đất nước Hoàng thổ quanh năm lũ lụt thiếu đói, và truyền sang Việt Nam do cụ kỵ nào, mà tôi nghe được từ thời ông ngoại còn mở quán thuốc phiện ở ngõ Tò Vò gần cầu Ka-Jong, nay là phố Phạm Hồng Thái, Hải Phòng.

      Người dân lấy việc ăn là trước tiên, hoặc người dân cho việc ăn là thần tiên! Câu cửa miệng nghe ra chẳng có hương vị lãng mạn, cũng chẳng trí tuệ chút nào. Giải thích theo kiểu gì thì năm chữ đó cũng chan chứa thực dụng, thậm chí còn mầu mè thô lậu nữa. Ấy thế mà sức sống thì bền bỉ, đời đời kiếp kiếp giữa lòng dạ người Trung Hoa. 
      Cho đến ngày hôm nay, dân số Trung Quốc vẫn đông nhất thế giới, nhưng không còn thiếu đói bởi thiên tai, dịch bệnh, nội chiến liên miên nữa. Những ám ảnh mang tính đúc kết của dân tộc Trung Hoa về gồng gánh bầu đoàn thê tử, tha hương cầu thực đã thuộc về hình ảnh cội nguồn xa xưa lắm rồi. Nền kinh tế quốc dân của Hoa Lục ngày nay, tăng trưởng với tốc độ phi thường. Mức thu nhập của người dân bình quân bằng 2-3 lần so với Việt Nam, hàng hóa phong phú và rẻ gấp 3-4 lần. Đồ ăn thức uống thì nhiều vô kể, chỉ riêng điểm tâm bữa sáng trong một nhà hàng thôi cũng đếm không xuể, món cháo gần chục loại, phở, mì, bánh hấp, chiên, nướng ngót ba chục món, cả vô khối đồ ngọt nữa. Còn ăn trưa và tối thì... gia cầm, gia súc, hải sản, thú rừng, rau quả ngũ cốc hầm, tần, lẩu, xào, quay, lạp, hấp, nướng cộng trừ nhân chia cũng đến trăm món. Dù báo cơm cả tháng cũng không sợ lặp lại món ăn, ngon mà rẻ nữa chứ! Một tháng trước đây, cậu Tắc tôi từ Sài Gòn đi dự liên hoan cựu học sinh các trường Việt Hoa tại thành phố Quảng Châu, khi về qua Hải Phòng đem cho nhà tôi một con vịt quay mua ở Đông Hưng (giáp biên giới Móng Cái). Con vịt mỡ màng, miếng thịt cắn ngập răng, da giòn như bánh đa, xương mềm, tẩm ướp ngũ vị ngon không thể có ở các quầy vịt quay Quảng Đông khắp phố Hà Nội, mà nhà tôi tám miệng ăn không hết, giá chỉ có 21 nhân dân tệ, khoảng 40.000 đồng VN. Một con gà (quê) rang muối khoảng 1kg, được vần chín bằng muối rang, giữ được vị ngọt, thơm, đậm đà nguyên chất, mà chỉ 40 nhân dân tệ, xấp xỉ 80.000 đồng VN, trong khi ở Hải Phòng mua con gà quê luộc tương tự, cũng mất 130.000 đồng. Tôi hỏi cậu: Sao không mua quà lưu niệm cho bọn trẻ, có hơn không? Cậu cười ha hả: Dân dĩ thực vi tiên. ở thành phố Phật Sơn (quê ngoại tôi ở Quảng Đông) có một nhà hàng ăn hoành tráng, đã mấy năm nay in trong thực đơn bất cứ món gì: tôm sú nướng, cá song hấp, ngỗng quay, bò xào, cảo chiên bơ, súp rau... cũng chỉ 8 tệ một đĩa/ tô (khoảng 16.000 ĐVN), suất ăn cho một thồi (bàn tròn) 10 đến 12 người. Lần nào tôi về thăm quê, cả gia tộc cũng kéo nhau đến đó thường xuyên, nhằm đúng mục tiêu: nhanh, nhiều, ngon, rẻ, lại tiện lợi sạch sẽ! Ai đã từng đi du lịch theo tour tham quan Trung Quốc hẳn không quên bữa ăn tám món một canh (súp) đã trở thành một hạng mục sinh động, hấp dẫn và áp đảo của tuyến lữ hành. Còn mâm cơm gia đình truyền thống, giờ tối thiểu phải có năm món mới gọi là bữa! Họ rất lưu ý khâu chế biến để không diễn lại thực đơn của bữa trước.

30-Dan-di-thuc-vi-tien-300.jpg

      Người Trung Quốc bây giờ chẳng lo hai bữa nữa, ấy thế mà vẫn lấy việc ăn làm hàng đầu, xăm xắn thiện nghệ hơn cả việc mặc. áo quần họ khoác lên người dù loại đắt tiền đến mấy cũng không giấu nổi sự đuểnh đoảng, học đòi thiếu cân nhắc. Ngược lại về thưởng thức món ăn thì quả là sành điệu, tinh tuý. Đến trẻ con cũng thuộc làu và luôn luôn ứng dụng câu “dân dĩ thực vi tiên” mỗi lần đòi đi ăn hiệu Madonna, đòi ăn katô kem hãng Italy, đòi ăn gà nhồi lá sen. Đàn ông ở đại lục, cả Hồng Kông nữa, ai cũng giỏi đi chợ, giỏi nấu nướng, thuộc làu các phụ liệu gia vị hơn cả phụ nữ, hỏi tại sao? Trả lời: “Dân dĩ thực vi tiên”. 
      Người Trung Quốc hiện nay gần như 99% không tổ chức các cuộc hiếu hỷ tại tư gia nữa. Cưới xin, mừng thọ, đầy tháng, ma chay, giỗ chạp... đều diễn ra ở nhà hàng. Mức độ sang hèn đều được phơi bày bằng các món ăn khoe khoang trên mặt bàn, để thoả mãn lời bình phẩm của các vị khách mời “dĩ thực vi tiên”! 
      Ngày thường cũng vậy. Buổi sáng các trà lầu người ra người vào nghìn nghịt. Họ rủ nhau đi uống trà, thực tế là đồ nhậu đầy bàn, trà thì chỉ có một ấm Phổ nhĩ, Cúc hoa hoặc Thiết Quan âm rót vòng quanh, hễ ngồi vào là 2-3 tiếng đồng hồ, gọi hết món nọ đến món kia, lai rai với ấm nước trà nhạt thếch. Họ muốn bàn công chuyện làm ăn, buôn bán, chạy cửa quan, hòa giải xích mích, gặp gỡ hàn huyên, cả việc khen thưởng bé ngoan nữa, đều rủ nhau đi uống trà... Thực tế là ăn khao “dân dĩ thực vi tiên” như vậy mới hiệu quả. Thứ bảy chủ nhật thì các trà lầu đều thiếu ghế ngồi trầm trọng từ sáng đến tối. Phải cử người đến sớm để lấy chỗ, tốp này ăn chưa xong tốp kia đã đứng chực bên. Khách nước ngoài lần đầu đến trà lầu cứ tưởng nơi cứu trợ, tưởng quán ăn thiện nguyện! Đi vệ sinh cũng xếp hàng như vào cửa soát vé xem trận đấu chung kết! Hỏi: tại sao không đến nơi vắng vẻ, thoáng đãng mà đến đấy để chen chúc, để gào to mới nghe rõ câu chuyện? Trả lời: làm gì có chỗ nào ăn mà không chen chúc, “dân dĩ thực vi tiên” mà!
      Ăn đêm, còn trở thành chế độ ăn bất di bất dịch của người Trung Hoa. Sau buổi tối đi xem xi nê, ca nhạc, nhảy đầm, đi tụ tập cờ bạc, karaoke, đi thăm viếng, hoặc đọc sách, học bài, viết lách xong, trước khi đi ngủ họ đều có nhu cầu bày ra một vài món ăn nhẹ: mùa hè thì chè hay cháo, mùa đông thì các món tiềm (hầm thuốc bắc) ở nhà, hoặc vợ chồng con cái, bầu bạn kéo nhau ra ngoài phố, một tiệm gần nhất, thường là quán xá vỉa hè, để hưởng thụ không khí ăn đêm, không kém sầm uất như ban ngày. An đêm còn gọi là “tiêu dạ”, một cách gọi vừa kinh điển vừa thời thượng, về một bữa ăn phụ nhưng không thể thiếu để kết thúc một ngày theo tôn chỉ cha truyền con nối: “Dân dĩ thực vi tiên”.
      “Dân dĩ thực vi tiên” còn là lời biện hộ lịch thiệp cho nền văn hoá cái bang. Triết lý nghề khất thực Trung Hoa lấy “dân dĩ thực vi tiên” làm tổ sư. Còn ở ta ngày nay, ăn xin đã thành một nghề hẳn hoi, rất nhiều kẻ ngửa tay chuyên nghiệp nơi xứ người, về quê tậu nhà ba tầng, sắm xe máy, chửi nhau bằng điện thoại cầm tay!?  Ở Cửu Long (Hồng Kông) có hiệu cao lâu chuyên mở hàng vào ngày mồng một Tết Nguyên đán. Vào ngày đó cả làng ăn mày thập phương sinh nhai tại đất Hương Cảng này ăn vận xúng xính kéo nhau vào tiệm chén chú chén anh, chúc tụng, xả láng... Chủ quán và khách hàng chẳng xa lạ gì, đều khéo léo chọn một lời năm mới năm me hợp tình hợp lý nhất, hanh thông nhất để xóa nhòa khoảng cách, để không phải bịn rịn, để khai xuân lẫn khai trương đại cát: “Ấy a xin chúc mừng năm mới, ấy a dân dĩ thực vi tiên(*)” cho cả ông chủ phục vụ lẫn... “thượng đế” đến mở hàng.

      (*) Còn có câu Dân dĩ thực vi thiên,“thiên” là “trời”, cả hai câu đều hàm nghĩa tương tự.

Dư Thị Hoàn

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.