Edith Piaf, giọng ca huyền thoại của nước Pháp, linh hồn của Paris, từng sinh ra trên hè phố, cất tiếng hát đầu tiên trong đời là để kiếm ăn trong một gánh xiếc rong, đứa con duy nhất chết sau khi lọt lòng... Ngay cả lúc sự nghiệp huy hoàng nhất không chỉ ở Pháp mà còn hàng triệu đĩa đơn bán chạy tại Mỹ, thì hạnh phúc lớn nhất cũng là bi kịch lớn nhất của cô là khi mối tình ngang trái với võ sĩ quyền anh huyền thoại Marcel kết thúc bằng cái chết của anh trên chuyến bay qua thăm người tình, đẩy Piaf chìm vào rượu và thuốc giảm đau trước khi chết ở tuổi 47 vì căn bệnh ung thư. Tưởng như không còn nỗi đau nào lớn hơn mà người phụ nữ này có thể gánh chịu...
![]() |
Vậy mà Piaf vẫn bảo: “La vie en Rose” (Cuộc đời màu hồng)... - như tên bài hát nổi tiếng nhất của bà, cũng là tựa đề bộ phim về cuộc đời nữ danh ca nhận được 5 giải Cesar và giải Oscar cho vai nữ chính. “Cuộc đời màu hồng/ Hãy ôm anh thật gần, hãy ôm anh thật chặt/ Và cuộc đời sẽ luôn màu hồng...” - “La vie en Rose” vang lên khi nước Pháp vừa đi qua những ngày điêu tàn và đau thương của Thế chiến thứ hai. Người ta hát, người ta yêu “La vie en Rose” với hy vọng và tin tưởng dù sao cuộc sống vẫn màu hồng...
Ai đó đã nói thật đúng: “Nếu một người bị đời quăng quật như Edith Piaf vẫn còn có thể hát lên “La Vie En Rose”, nếu những người Pháp đi qua chiến tranh vẫn có thể đứng dậy tràn đầy tin tưởng “Đời màu hồng”, thì cớ gì chúng ta lại không giữ trọn niềm tin ấy để lạc quan hơn nữa về tương lai?”.
Ngày Phụ nữ, ngồi xem lại “La Vie en Rose” và nghe lại những bản nhạc Pháp lãng mạn, dĩ nhiên không thể thiếu “La Vie en Rose”, bỗng cắc cớ hỏi: Vậy,... đàn bà màu gì? Và nên là màu gì, để cuộc đời của họ mãi được là màu hồng?