60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Còn một Tô Vĩnh Diện khác

Chỉ huy bắn chìm tàu Pháp trong chiến thắng sông Lô, lại là người phát lệnh hỏa pháo trong trận Đông Khê, nhưng Đại tá, nhà văn Siêu Hải không thể không nhắc đến trận đánh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trước khi qua đời, trong một lần trò chuyện, ông kể về tấm gương của liệt sỹ Nguyễn Văn Chức, trong lần kéo pháo vào trận địa đã lấy thân mình chèn bánh để cứu pháo khỏi lăn xuống vực...

Hy sinh thân mình kéo pháo vào trận địa

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên Trung đoàn lựu pháo 105 ly của ta (được suy tôn là pháo chiến lược, vốn quốc gia) được xe ô tô GMC 10 bánh kéo lên chiến trường từ Tuyên Quang. Tới nơi, pháo được lệnh cắt rời khỏi xe và dùng sức người kéo qua triền núi Pha Sông đỉnh cao trên 1.500m, đưa pháo vào cánh đồng bản Nà Nghịu, cách trung tâm tập đoàn địch khoảng 3.000m phía Tây Nam. Tôi buồn đến lịm người. Suốt 9 năm ròng, chiến sỹ pháo binh (sơn pháo) đã phải è cổ khiêng pháo đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Trận quyết chiến cuối cùng mà vẫn phải thế này sao?

Từ giờ phút đó, mỗi khẩu pháo 105 ly được trao cho 100 chiến sỹ chủ yếu thuộc Đại đoàn 312 và Đại đoàn công pháo 351 luôn tay luôn miệng “hai, ba này” kéo pháo nhích từng bước khi lên dốc và ghìm từng bước khi xuống dốc. Khí thế hừng hực nóng bỏng cả không gian núi rừng. Bản anh hùng ca kéo pháo vào, kéo pháo ra đã được tạo nên bởi biết bao mồ hôi, sức lực và cả sinh mệnh của chiến sỹ.

Tranh cổ động của Phạm Anh Dũng
Tranh cổ động của Phạm Anh Dũng

Pháo thủ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo khỏi lăn xuống vực trong lần kéo pháo ra đã trở thành tấm gương anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế nhưng, trước Tô Vĩnh Diện đã có một lính pháo thủ lấy thân mình chèn vào bánh để cứu pháo khỏi lăn xuống vực trong lần kéo pháo vào trận địa. Đó là pháo thủ Nguyễn Văn Chức. Thật buồn là tôi chưa rõ chính xác quê đồng chí Chức, chỉ biết thuộc đại đội 806 lựu pháo 105...

Năm 1964, chuẩn bị 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng đồng chí Khắc Tính - trong Ban Tuyên huấn của Bộ Tư lệnh pháo binh được phân công viết hồi ký của đồng chí Phạm Ngọc Mậu, nguyên Chính ủy Đại đoàn pháo binh trong chiến dịch. Chúng tôi về Trường bổ túc văn hóa cán bộ quân đội Lạng Sơn để lấy thêm tài liệu. Chúng tôi đã làm việc với đồng chí Kính (tôi không nhớ họ) nguyên Đại đội trưởng Đại đội 806 lựu pháo 105 trên đường kéo pháo vào. Đồng chí Kính kể lại chi tiết trường hợp lấy thân mình chèn pháo khỏi lao xuống vực của Nguyễn Văn Chức. Đồng chí Kính còn tỏ vẻ bất bình vì không ai báo cáo nên Chức đã trở thành chiến sỹ vô danh. Chúng tôi đã đề cập đến sự hy sinh này với đồng chí Phạm Ngọc Mậu - người phụ trách việc kéo pháo vào thời điểm đó. Đồng chí Mậu nín lặng hồi lâu rồi nói: “Dồn dập bao công việc, hết nơi này báo cáo lại đến nơi kia xin chỉ thị, rối mù cả lên, vả lại cũng chả thấy N.T (N.T là Chính ủy Trung đoàn lựu pháo 105 ly trong đó có Đại đội pháo 806) báo cáo lên. Đại đoàn cũng không nắm hết được việc của dưới...

Kéo pháo ra để giành thắng lợi

Khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ đã lập ra Bộ Tư lệnh tiền phương lên Điện Biên chuẩn bị gồm 3 đồng chí: Hoàng Văn Thái - Phó tổng tham mưu trưởng, Lê Liêm - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm hậu cần. Cùng đi có đoàn cố vấn Trung Quốc. Lúc này địch mới bỏ Lai Châu về Điện Biên Phủ để lập cụm cứ điểm nên cách bố phòng còn sơ sài. Từ đó ta chủ trương phương châm: Đánh nhanh giải quyết nhanh trong vòng 4 đêm, 3 ngày.

Đại tá, nhà văn Siêu Hải đọc một văn bản cổ
Đại tá, nhà văn Siêu Hải đọc một văn bản cổ

Trước khi lên Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ trao trọng trách Bí thư Đảng ủy Mặt trận kiêm Tư lệnh trưởng chiến dịch và được toàn quyền quyết định mọi vấn đề. Tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ trì cuộc họp... Tôi biết lúc đó có một số cán bộ tỏ ra lo ngại nhưng không dám phát biểu. Một số cán bộ trung cấp trong quân đội có xuất thân là tiểu tư sản rất ngại phát biểu vì sợ bị “chụp mũ” là dao động tiêu cực. Tôi còn nhớ trong cuộc họp đó chỉ có hai ý kiến trái ngược. Đó là khi nghe phổ biến kế hoạch: đại bác 105 ly của ta sẽ bắn dồn dập 2.000 viên chùm lên tập đoàn cứ điểm buộc địch phải gục đầu xuống công sự, tạo điều kiện cho bộ đội ta xung phong. Lần đầu tiên được nghe đại bác bắn liền một lúc 2.000 phát đạn thì nhiều đồng chí tỏ ra phấn khởi. Thế nhưng đồng chí Vũ Yên - Trung đoàn trưởng 102 đã đứng lên nói: Trận Tu Vũ, một trận đánh trong chiến dịch Hòa Bình, địch đã bắn vào ta 6.000 viên và trên một mật độ hẹp thế nhưng địch có cản được ta tấn công tiêu diệt đâu. Thế nên 2.000 viên mà bắn trên một địa hình trải rộng thì có thấm tháp gì... Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ cũng nêu ra trận Pheo đồn và Pheo làng cũng trong chiến dịch Hòa Bình mà ta chưa điều tra nắm rõ cách thức địch bố phòng nên đã tổn thất nặng nề, để nói không nên đánh nhanh giải quyết nhanh...

Cũng tham gia trận Tu Vũ và Pheo đồn, Pheo làng nên khi đứng trên đỉnh núi giơ ống nhòm quan sát tôi liên tưởng ngay đến hai trận đánh tổn thất này. Phía dưới mắt tôi là trận địa pháo ngụy trang bằng rơm rạ đã bày sẵn trước cánh đồng bằng phẳng. Một ý nghĩ chợt đến làm tôi lạnh sống lưng: nếu địch cho vài chiếc xe tăng xông tới cướp pháo thì sao? Hoặc cho một đại đội nhảy dù xuống cánh đồng thì pháo chạy đi đâu? Một khẩu pháo với chừng 15 pháo thủ và chiến sỹ điện thoại, kế toán, xạ kích liệu có vần nổi pháo đi đâu? Mất pháo như chơi. Tôi chưa hết rùng mình khi đưa mắt nhìn ra xa tới khu rừng phía Tây. Đại đoàn 308 chủ lực của ta gồm 3 trung đoàn bộ binh, một số tiểu đoàn đại đội trợ chiến, cối, sẽ từ trong rừng đánh thẳng vào khu trung tâm của tướng De Castries qua sân bay. Tôi ước lượng cán bộ, chiến sỹ của Đại đoàn phải vượt qua cả một khu cánh đồng rộng trơ những gốc rạ, qua sân bay tới hầm De Castries. Quãng đường tiến quân này ước chừng 4km sẽ vô cùng ác liệt và nguy nan... Càng nguy nan hơn khi ta chưa rõ bố phòng của địch. Cũng như địch đã tăng cường quân số lên 12 tiểu đoàn cộng với lực lượng pháo binh, xe tăng cơ động và máy bay yểm trợ... trong khi kế hoạch của ta thì vẫn dựa vào tính toán ban đầu với phương án đánh nhanh trong 4 đêm, 3 ngày đầy mạo hiểm.

Tôi có anh bạn Trần Cư (đã mất) trong thời gian chiến dịch là phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Anh luôn thường trực bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh cho biết: Khi trao đổi, nhiều đồng chí trong Đảng ủy chiến dịch vẫn muốn theo phương án cũ. Các đại đoàn 308, 316, 304 và đại đoàn pháo binh 351 đã sẵn sàng đợi lệnh xuất kích. Từ hướng Tây, các chiến sỹ 308 đầu đội mũ rơm, bi đông nước và nắm cơm bên hông đã sẵn sàng vượt qua cánh đồng rộng 4km để thọc mũi dao nhọn vào trung tâm đề kháng để từ đó tủa ra các hướng. Nói cho có hình ảnh là: Nở hoa trong lòng địch... Thế nhưng, sau một đêm suy nghĩ đau đầu, Đại tướng đã hạ lệnh thay đổi phương án tác chiến thành: Đánh chắc, tiến chắc. Và như thế pháo phải được kéo ra. Trong lần kéo pháo ra này, pháo thủ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh.

Kéo pháo vào đã vất vả, kéo pháo ra còn cực hơn. Tư tưởng nhiều người lính dao động. Thế nhưng, mồ hôi đổ ra còn tốt hơn là máu đổ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đích thân đi đả thông chiến sỹ pháo binh: “Ky cóp trong bao năm mới xây dựng được mấy đại đoàn chủ lực, vài chục khẩu pháo. Nếu đánh theo phương án cũ, vạn nhất gặp khó khăn, người thương vong, pháo hỏng thất bát, thử hỏi cuộc kháng chiến của ta còn kéo dài bao nhiêu năm nữa, nhân dân ta còn phải chịu đựng đau khổ đến mức nào nữa...”. Quả là vị nhân tướng hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh Đông - Tây, kim - cổ...

Văn hóa

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định kéo về Dinh Độc Lập chào mừng Quân giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ

Nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, chúng ta chỉ mất 55 ngày đêm thu non sông về một mối.

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn
Văn hóa - Thể thao

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn

Chứng kiến sự gian khổ của bộ đội ta trong những ngày kháng chiến và cả niềm hân hoan của ngày thống nhất, ông Trần Mạnh Tuấn, một họa sĩ không chuyên, nguyên phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đã thực hiện các bức ký họa bằng bút sắt sinh động ghi lại lịch sử không thể nào quên của dân tộc.

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc
Văn hóa

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), MV "Cho con là người Việt Nam" của Tùng Dương chính thức được ra mắt như một lời tri ân sâu sắc tới lịch sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam.

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.