Chuột và người

Năm nay, Chuột lên ngôi, đứng đầu 12 con giáp. Chuột xuất hiện trên Trái Đất đã 50 triệu năm, còn người, mới... 2 triệu năm. Chuột luôn sống bên cạnh người nhưng chẳng bao giờ trở thành gia súc. Quan hệ đối đầu là chủ yếu nhưng cũng có hỗ trợ, hay nói đúng hơn là lợi dụng nhau.

      Trong số những động vật có vú, chẳng loài nào nhỏ hơn chuột. Song để vẽ bức chân dung của chuột thật khó. Lấy “ai” làm đại diện đây? Chắc không thể là bác trũi dị dạng, mắt mù, tai điếc, cả đời sống trong hang hốc tối om. Không phải lũ chuột chù hôi hám mà các nhà động vật đôi khi không coi là chuột vì không thuộc họ gặm nhấm. Càng không phải là chú chuột lùn (Suncus Etruscus) nhỏ nhất trong họ, chỉ bằng hạt lạc, nặng chưa đầy 1,5g mà phải bao nhiêu năm người ta mới phát hiện ra. Thôi thì cứ tạm lấy 3 loại sống quanh quẩn quanh ta để xem xét tính tình, cách sinh hoạt, rồi xét công và tội. Đó là loài chuột nhắt sống chui lủi trong nhà, chuột đồng đào hang ngoài ruộng và chuột cống lấy hệ thống thải nước tại những thành phố làm đại bản doanh. Ba loài đông nhất ấy cộng lại, “dân số chuột” ước tính cũng 4-5 tỷ , xấp xỉ loài người. Họ hàng nhà chuột chiếm tới 40% loài thú (động vật có vú) trên toàn Trái đất. 
      “Quy chế xã hội” chuột
      Nếu bạn nghĩ chuột sống vô tổ chức thì nhầm to. Trái lại, chúng có một “quy chế xã hội” khá nghiêm ngặt. Cộng đồng chuột chia làm 3 đẳng cấp: Chuột to, chuột vừa và chuột nhỏ. Các nhà nghiên cứu tập tính động vật đặt tên cho ba loại ấy là chuột Anpha, Bêta và Omêga. Chuột Anpha to nhất sống gần nơi có thức ăn, được quyền lấy nhiều “vợ”, bảo vệ “tài sản” riêng, lãnh địa riêng cùng đám vợ con. Chúng đối xử tàn nhẫn với chuột Bêta và chuột Omêga. thường bắt bọn chuột Omêga phải phục dịch, kiếm thức ăn cho chúng. Bọn này nhỏ bé, gầy gò vì không đủ ăn, lông xỉn và xơ xác, sinh trưởng chậm và ngu xuẩn hơn vì luôn luôn căng thẳng thần kinh. Ít khi chuột Omêga có “vợ” và nếu có thì cũng khó nuôi nổi vợ con. “Bọn trẻ” nếu được sinh ra thì phần lớn có điểm tập kết là… dạ dày của các vị có đẳng cấp cao hơn.
      Việc đi tìm mồi cho bầy chuột sống chung đặt lên vai chuột trinh sát, bọn “thanh niên”, thường là con đực, nhanh nhẹn, linh lợi và đầy cảnh giác. Các chàng lùng sục  khắp nơi, gặp mồi lạ thì “nghiên cứu” thận trọng, có khi cả ngày luẩn quẩn xung quanh, lúc thì ngửi, khi thì nếm chút xíu… để kiểm chứng. Vài tiếng đồng hồ sau, yên trí không có gì nguy hiểm mới thông tin cho đồng loại.
      Khi tán tỉnh bạn tình, chuột đực cũng phát ra những âm điệu du dương như những bản tình ca cho đến khi cô nàng bị… đổ. Trường hợp “chuột chồng” đi vắng, “chuột vợ” ở nhà bị một gã “râu xanh” nào đó gạ gẫm và chót xiêu lòng, thì khi trở về, “chuột chồng” phát hiện ra ngay nhờ mùi lạ của gã qua đường. Nó cũng nổi cơn ghen dữ dội, xông vào cắn xé “mụ vợ” ngoại tình mấy giờ liền cho đến khi hả hết cái mùi lạ ấy.
Sống trong bầy, chúng luôn nhận ra thành viên nào là ruột thịt của mình và chẳng bao giờ loạn luân với thế hệ sau nếu có quan hệ máu mủ… 
      Cuộc chiến dai dẳng
      Từ khi loài người xuất hiện, chuột về sống quanh quẩn bên cạnh người. Chúng ăn và phá những gì loài người làm ra để sống. Tất nhiên, cuộc chiến tranh phải xảy ra và kéo dài không ngưng nghỉ hàng triệu năm. Loài người tự hào là có trí thông minh siêu việt mà nào đã thắng được chuột. Có nhiều lý do: chuột ranh ma, quỷ quái, đầy cảnh giác. Chúng lại có tính thích nghi rất cao trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Tuy nhiên, con chủ bài của chúng khiến loài người khó lòng chiến thắng là khả năng sinh sản phi thường. Ba tháng kể từ khi mở mắt, chuột đã tí tởn “chim chuột” nhau, rồi từ đó, cứ 3 tháng một, lứa chuột con mới lại ra đời. Mà mỗi lứa nào có ít ỏi gì, từ 10-12 con đỏ hon hỏn. Như thế với điều kiện lý tưởng, đẻ con nào sống con ấy thì chỉ sau một năm, một đôi chuột sẽ có 20 triệu con cháu chút chít và sau 5 năm, con số ấy lên tới 940 tỷ. Và sau 10 năm thì con số đó sẽ không thể nào tưởng tượng nổi: 40 triệu tỷ con.
      Thuốc chuột, bẫy chuột, bả chuột rồi săn bắt… nói chung hiệu quả không cao và do chúng ứng phó rất linh hoạt nên thường xuyên phải thay đổi chiến lược. Khi một loại thuốc mới ra đời được trộn trong thức ăn, có thể lúc đầu, chuột ngộ nhận về “lòng tốt” của con người mà vục đầu vào chén, dẫn đến tử vong hàng loạt, nhưng ít ra cũng 20% số chuột trong bầy sống sót. Những con thoát chết sinh ra thế hệ mới, thì ở thế hệ này khả năng kháng thuốc xuất hiện và theo một quy luật điều chỉnh nào đó của Thiên nhiên, chúng sinh sôi nảy nở cực nhanh, dường như để bù lại 80% số lượng cha ông chúng đã gặp kiếp nạn. Số liệu thống kê cho thấy, sau mỗi đợt diệt chuột, bao giờ số lượng của chúng tăng lên 3% mỗi năm. Nhiều trường hợp, ở chúng hình thành gen mới để xóa bỏ độc tính của thuốc. Thậm chí, khi dùng thuốc Warfarin chống đông máu để chúng chết vì một xây xước nhỏ, thì chẳng hiểu do đâu, chúng biết hóa giải bằng cách cứ tìm các thức ăn nào đó chứa vitamin K để ăn, điều mà khoa học phát hiện ra sau chúng nhiều để dùng chất này điều trị hiện tượng chảy máu dạ dày.
      Cuộc chiến tranh triền miên “Người và Chuột” cứ thế tiếp diễn, mà phần thắng chưa bao giờ thuộc về con người. Các cụ ta xưa kia cảm thấy bất lực, nên chỉ mong được chuột… thương hại. Cất giấu gì ở đâu phải nói rất nhỏ, sợ chuột nghe thấy. Để chúng khỏi nổi giận, trả thù, các cụ còn gọi chúng là… ông Tý nữa cơ đấy.
      Chuột trong văn học nghệ thuật
      Chung sống với người từ bao đời nay, chuột có “vai trò” trong kho tàng văn học Việt Nam. Trước hết trong thành ngữ, ca dao… chuột được nhắc đến khá nhiều. Thủa nhỏ, ai chẳng thuộc bài đồng dao: “Chú mèo mà trèo cây cau, Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…” , chẳng chơi trò mèo đuổi chuột quanh những gốc cây, chẳng ngắm nghía bức tranh dân gian ngộ  nghĩnh Đám cưới chuột  in trên giấy điệp, nghe nói đã có từ thời Lý.  
      Thái độ gian giảo, sợ sệt chẳng ví von nào sinh động hơn hình ảnh “lấm lét như chuột ngày” của chú nhắt ta vốn chỉ quen rình mò vào ban đêm. Rơi vào thế bế tắc, không lối thoát đúng là tình huống của một gã “chuột chạy cùng sào” lúc bị săn đuổi. May mắn nhất là anh chàng khù khờ lấy được cô vợ giàu, chỉ ngồi không mà hưởng thụ khác nào “chuột sa chĩnh gạo”. Chủ trương nọ, lúc mới phát động thì rùm beng lắm, nhưng cứ teo tóp dần, đến khi kết thúc chẳng ra gì, bị chê cười là “đầu voi đuôi chuột”. Ông VIP kia tham nhũng kín đáo, khéo che giấu nên được tiếng là thanh liêm, đến lúc bị bọn cướp vào nhà trấn lột mất sạch, nào đôla, nào hạt xoàn, công an phải vào cuộc, dân không thương thì chớ, lại còn mỉa mai “cháy nhà ra mặt chuột”. 
      Cái kiểu họp hành phù phiếm, phát biểu vu vơ rồi giải tán mà không đem lại hiệu quả gì được nhà thơ ngụ ngôn Lafontaine điển hình hóa bằng hình ảnh một “Hội đồng chuột” và liên hệ sang người: 
      …Té ra cuộc luận bàn thật hão
      Có lạ gì bàn láo xưa nay
      Chẳng là việc chuột thế này
      Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng
 
                           (Nguyễn Văn Vĩnh dịch)
      Truyện dân gian khuyết danh của ta xưa kia có Trinh thử, kể về một nàng chuột góa chồng một lòng một dạ giữ trinh tiết, kiên quyết chối từ sự ve vãn của những lão chuột đực, trải bao gian truân, nàng đã thắng… là câu chuyện được nhân cách hóa đầu tiên, trước rất lâu truyện ngắn O chuột của Tô Hoài.
      Chuột trở thành một “nhân vật lớn” trong phim hoạt hình và được trẻ em rất ưa thích. “Đứa trẻ” nào, kể từ năm 1928 trở đi (trộm phép hiện đã là các cụ ở lứa tuổi 90, nhưng tính vào hồi ấy) cho đến nay chẳng mê mẩn chú chuột Mickey và cô bạn gái Minnie của chú ta. Thống kê cho thấy, 128 bộ phim về Mickey đã ra đời, kèm theo không biết bao nhiêu là truyện tranh về chú. Chú còn là biểu tượng của các công viên và tạo ra một thế giới đồ chơi phong phú. Cựu Tổng thống Mỹ Jim Carter từng nói: “Chuột Mickey là một đại sứ thiện chí, một nhà kiến tạo hòa bình, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ”. 
      Gần đây hơn, từ năm 1940, nhân vật chuột Jerry xuất hiện. Những bộ phim hoạt hình ngắn, nối tiếp nhau xoay quanh các cuộc đuổi bắt và đấu trí căng thẳng và thú vị giữa hai kẻ thù truyền kiếp là bác mèo Tom và chú chuột Jerry, không những trẻ em mà cả người lớn cũng say mê. Jerry là hiện thân của sự láu lỉnh, thông minh và nhờ thế đã thoát khỏi những cuộc rượt đuổi đấy hài hước và kịch tính mang lại những tiếng cười sảng khoái cho người xem. Những bộ phim này đã 7 lần được giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar. 
      Chuột trong khoa học 
      Với bộ gen giống đến 90% với bộ gen con người, chuột đã đóng góp biết bao “công sức” trong nghiên cứu y học. Song loài chuột có công ấy không phải lũ chuột nhắt ranh ma, chuột cống hôi hám hay chuột đồng tham ăn, mà thường chỉ là những chú chuột bạch trắng muốt hoặc chuột lang dễ thương. Một bệnh lý cần được tìm hiểu cặn kẽ để tìm ra cách chữa, một loại thuốc cần được kiểm tra một cách toàn diện trước khi đưa ra sản xuất để dùng cho người, chuột luôn luôn đứng ra làm vật thử nghiệm và chịu hy sinh. Não chuột được dùng để sản xuất một số vaccine phòng bệnh. Các nhà khoa học còn nhân bản vô tính chuột, biến đổi gen chuột để nghiên cứu cách chữa các bệnh di truyền, bệnh ung thư và nhiều bệnh liên quan đến hệ gen của cơ thể. Bằng cách gây đột biến hoặc ghép gen, người ta cũng tạo ra các “siêu chuột” có sức mạnh phi thường để thử nghiệm cách nâng cao thành tích thể thao hoặc dùng vào các mục đích đặc biệt.

TUẤN HÀ

      Đền thờ chuột

      Ấn Độ có nhiều đền thờ những con vật thiêng nhưng chỉ ngôi đền Karniji Mata, một ngôi đền kiến trúc rất đẹp bằng đá cẩm thạch trắng tại vùng Rajasthan, Tây Bắc Ấn Độ,  dành cho loại gậm nhấm luôn luôn chí chóe này. Sở dĩ chuột được thờ ở đây vì người ta cho rằng chuột là sự tái sinh của đẳng cấp Charan, đẳng cấp của người phụ nữ thánh thiện. Trong đền lúc nhúc hàng chục nghìn con chuột đen đuôi dài. Chúng đi lại tự nhiên, bò lên cả đầu, lên vai các tu sỹ ngồi thiền, rúc trong túi, trong ống quần, trong tay áo của khách thập phương đến lễ hoặc tham quan. Mỗi người đến đều mang theo một bát ngũ cốc cho chuột ăn. Theo luật của đền, ai dẫm chết một con chuột phải đền bằng một con chuột thật bằng vàng ròng.

 

      Mê chuột

      Nuôi những chú chuột bạch xinh xắn và cho chúng đánh vòng làm trò tiêu khiển thì đã có ở Việt Nam từ lâu đời. Chuột lang cũng có trong thành phần những sinh vật cảnh ở nhiều nước nhưng đặc biệt “bùng nổ” ở  u Mỹ từ năm 1993. Nuôi chuột đỡ tốn kém và không tốn diện tích như nuôi chó. Người ta không nuôi một vài con mà nuôi cả đàn vài chục con, không nhốt mà thả tự do. Chúng chung sống với mèo, chó mà không hề choành chọe nhau. Chúng sạch sẽ, nhớ đường đi lối về, biết ngồi trước TV xem phim hoạt hình Tom và Jerry. Người ta tổ chức các cuộc đua chuột, cũng trao giải, cũng đánh cá… Hàng năm không ít cuộc thi sắc đẹp cho chuột, thu hút nhiều người nuôi chuột từ những câu lạc bộ ở các địa phương.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.