Chúng ta cần nông nghiệp tuần hoàn!
ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
LÊ MINH HOAN
Giá vật tư phân bón đang là vấn đề toàn cầu. Chúng ta chỉ có hai cách: hoặc là ôm nhau khóc than, hoặc là chủ động vượt qua. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp tuần hoàn chính là lời giải hữu hiệu mà chúng ta buộc phải đi theo!
Tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu “bén rễ”
Tổng kết lại năm 2022, rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, song đến giờ này có thể khẳng định dù kết quả của ngành nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng rất đáng tự hào. Điều đó hẳn nhiên không nằm ở những con số tăng trưởng!
Niềm tự hào đó, trước tiên, là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp. Nói cách khác, vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp được làm sâu sắc hơn, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn bảo đảm các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Chúng ta chưa bao giờ bị khủng hoảng về lương thực, thực phẩm. Nhiều quốc gia đang tìm đến chúng ta trong nửa cuối năm 2022 để tìm kiếm sự hợp tác bảo đảm an ninh lương thực.
Tiếp đó, có thể thấy tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, từ người nông dân đến doanh nghiệp. Đã qua rồi thời lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu trong ngành nông nghiệp, bắt đầu có rất nhiều nghiên cứu, tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Định vị rõ thị trường có vai trò ngày càng quan trọng hơn sản xuất. Chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, đồng nghĩa mở toang cánh cửa cho nhiều loại nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính. Những tín hiệu đó cho thấy, bắt đầu từ Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp. Những mô hình nông nghiệp mới như lúa - tôm, lúa - rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… tạo ra một sinh khí mới, thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia.
Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, chuyển từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm. Câu chuyện gạo Việt sang EU dù quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng đó là tín hiệu cho thấy chúng ta đã thay đổi và khi đó, chúng ta đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn.
Doanh nghiệp đã dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” thương vụ mà định hình thị trường lâu dài. Khi doanh nghiệp tư duy đường dài sẽ kéo theo người nông dân cũng tư duy đường dài. Hiện, nông dân đang dần ổn định từng vùng nguyên liệu. Chẳng hạn, ở An Giang đã có những doanh nghiệp định hình vùng nguyên liệu lúa cho từng thị trường. Kết quả là, doanh nghiệp liên kết với người nông dân một cách ổn định, lâu dài, thoát “lời nguyền” “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ”.
Những kết quả đạt được trong năm 2022 rất quan trọng, tạo nền tảng để chúng ta thành công trong năm 2023.
Dù vậy, khó khăn và thách thức luôn đeo bám nền nông nghiệp khi đây là ngành rất nhạy cảm. Hạt giống gieo xuống, 3 tháng sau mới có hạt gạo, 6 tháng sau mới có quả chín và mất cả năm trời đối với vật nuôi. Khi thu hoạch, giá lên hay xuống hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường cùng lời nguyền “được mùa rớt giá”. Muốn thoát khỏi lời nguyền đó, chỉ có cách là phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh! Nếu không hình thành được chuỗi tổ chức ngành hàng sẽ không có thông tin và không thể chuyển tải thông tin về thị trường, mùa vụ, sản lượng, quy chuẩn thị trường đến người sản xuất. Khi đó, tình trạng “được mùa rớt giá” sẽ vẫn còn.
Không còn con đường nào khác, chúng ta không thể nhìn kết quả ở con số tăng trưởng mà phải nhìn lại cách chúng ta tổ chức, vận hành một ngành hàng. Điều đó quyết định sự chống chịu, khả năng vượt qua các cú sốc của thị trường.
Hãy nhìn vào thực tế đang có hiện tượng bà con nông dân đốn xoài để trồng sầu riêng. Đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp. Chúng ta quản lý, vận hành một nền kinh tế nông nghiệp trong cơ chế kinh tế thị trường và có quyền quyết định bỏ không trồng sầu riêng nữa. Vấn đề là, đừng chuyển rủi ro này sang một rủi ro khác. Muốn vậy, phải thông tin được nhiều nhất vấn đề quy mô thị trường.
Khi thế giới thay đổi, chúng ta cần có chiến lược để chủ động thích ứng
Xu thế của thế giới hiện nay là “less in more” - ít hơn nhưng được nhiều hơn và “more from less” - được nhiều hơn từ cái ít hơn. Trong nông nghiệp, đó chính là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Hiện, bà con nông dân Đồng Tháp, Đắk Lắk… đang làm được mô hình này từ những việc đơn giản, như sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp (ớt, tỏi…) để tạo ra phân bón, thuốc sinh học sử dụng cho các cây ăn quả, cà phê…
Trong bối cảnh giá vật tư phân bón đang là vấn đề toàn cầu, chúng ta chỉ có hai cách: hoặc là ôm nhau khóc than, hoặc là chủ động vượt qua. Chiến lược ở đây chính là nông nghiệp tuần hoàn - lời giải hữu hiệu mà chúng ta buộc phải đi theo.
Tôi đã gặp trực tiếp những người nông dân ở Tây Nguyên, họ tự tin nói rằng khi vật tư đắt quá họ đã có phế phẩm nông nghiệp thay thế. Đó chắc chắn không chỉ là câu chuyện nhỏ của riêng một hộ nông dân nào, vì từ mô hình nhỏ được lan tỏa ra hàng triệu nông dân sẽ là vấn đề lớn. Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái chính là “less in more, more from less” từ những mô hình đơn giản.
Điều đáng tiếc là thời gian qua, Bộ NN - PTNT chưa làm tốt công tác lan tỏa mô hình này. Hiện, Bộ đã giao cho Trung tâm khuyến nông tổng hợp, đưa lên sàn để quảng bá tới bà con nông dân cách làm. Bộ cũng đã phối hợp với các tập đoàn lớn với mục tiêu nội địa hóa tối đa nguyên liệu đầu vào trong ngành nông nghiệp, với 2 nhiệm vụ chính là: sinh học hóa, hữu cơ hóa các sản phẩm phân, thuốc theo hướng phân hữu cơ, thuốc sinh học; giảm chi phí, nội lực hóa, nội địa hóa nguyên liệu, thay đổi vùng trồng, hướng tới những nguyên liệu sẵn có trong nước. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn sẽ là lời giải hữu hiệu mà chúng ta buộc phải đi theo để phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững!