Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam vào dịp hai nước đang chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết Việt Nam - Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng; các thế hệ lãnh đạo hai nước không ngừng vun đắp, củng cố và phát triển, Chủ tịch Nước nêu rõ, Việt Nam luôn tự hào có một người bạn tốt và thủy chung là đất nước Ấn Độ.
Chủ tịch Nước nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về đất nước, con người Ấn Độ từ dịp sang dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ tháng 1.2018. Hai bên đã có nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Nhấn mạnh Ấn Độ ngày nay là một cường quốc, nền kinh tế đứng thứ sáu trên thế giới, khoa học - công nghệ tiên tiến hàng đầu, Việt Nam là nước phát triển năng động, hội nhập và mở cửa sâu rộng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.
Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla bày tỏ ấn tượng sâu sắc về những đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trong thúc đẩy quan hệ quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ.
Nhấn mạnh năm 2022 đánh dấu 50 năm quan hệ hai nước đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Ấn Độ, Chủ tịch Hạ viện Om Birla cho biết, đây là dịp để Ấn Độ đánh giá lại về các lợi ích quốc gia cũng như cam kết với người dân về phát triển đất nước một cách toàn diện hơn. Cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam có mối liên hệ văn hóa chặt chẽ, Chủ tịch Hạ viện Om Birla cho biết, người dân Ấn Độ luôn kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ mong muốn hai nước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, an ninh, quốc phòng; đồng thời tin tưởng hai nước luôn hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau để ứng phó với các thách thức toàn cầu trong tương lai và cùng phát triển. Nhân dịp này, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã giúp đỡ Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chủ tịch Hạ viện Ấn độ đề nghị hai bên tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân; khởi động lại sáng kiến kết nối hàng không. Ấn Độ mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Hoan nghênh những quan điểm và đề xuất mà Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ nêu ra, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao như tổ chức các buổi biểu diễn văn hoá, nghệ thuật tại thủ đô mỗi nước nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau.
Cùng với hợp tác quốc phòng - an ninh là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, Chủ tịch Nước đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, tình báo, phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề an ninh phi truyền thống, trao đổi về hỗ trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Cho rằng tổng giá trị đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam gần 1 tỷ USD với hơn 300 dự án là còn khiêm tốn, Chủ tịch Nước đề nghị Ấn Độ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch Nước cho biết, nhiều người dân Việt Nam có nhu cầu học và luyện tập Yoga cũng như du lịch Phật giáo đến Ấn Độ. Do đó hai bên cần tăng cường hợp tác khôi phục du lịch sau dịch bệnh trong bối cảnh hai nước đã công nhận Hộ chiếu vaccine của nhau. Hai nước sớm mở lại các đường bay thẳng giữa các Thành phố lớn để thúc đẩy du lịch, giao thương.
Nhân dịp này, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Ấn Độ đang tài trợ triển khai các dự án bảo tồn, trùng tu cụm di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn tại Quảng Nam.
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng nhận thấy hai nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các cơ quan của Liên Hợp quốc, Phong trào không liên kết..., đặc biệt là trong vấn đề quan tâm chung của hai nước như an ninh hàng hải, an ninh biển, thượng tôn luật pháp quốc tế, thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc. Chủ tịch Nước đánh giá cao sự phối hợp của hai nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đặc biệt là trong năm 2021 khi hai nước cùng là Ủy viên không thường trực.