- Xin Chủ tịch đánh giá về những thành tựu quan trọng mà Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được trong gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện cách đây 5 năm?
- Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được xây dựng trên nền tảng vững chắc các mối liên kết văn hóa và văn minh, có đặc trưng dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Trong 49-50 năm qua, quan hệ giữa hai nước chúng ta đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, bao trùm các lĩnh vực hợp tác phong phú như thương mại và đầu tư, quốc phòng, đối tác phát triển, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân. Năm nay hai nước kỷ niệm 5 năm thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam. Việc nâng cấp quan hệ song phương như vậy trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Việt Nam năm 2016 đã củng cố hơn nữa quan hệ đối tác bền chặt của chúng ta và mở đường cho sự hợp tác trong tương lai.
- Chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của mối quan hệ song phương trong thời gian tới?
- Chúng tôi hết sức vui mừng được chào đón đoàn đại biểu do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ dẫn đầu thăm chính thức Ấn Độ như những vị khách quý của Quốc hội Ấn Độ. Chúng tôi đã xây dựng hết sức công phu một chương trình thực chất cho chuyến thăm của đoàn, để đoàn có trải nghiệm phong phú tại đất nước chúng tôi. Tôi chắc chắn rằng chuyến thăm của đoàn sẽ tiếp thêm động lực cho truyền thống duy trì hợp tác nghị viện chặt chẽ giữa hai nước.
- Thưa ông, các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Ấn Độ cần làm gì trong thời gian tới để quan hệ hợp tác song phương đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của mỗi nước, trong đó có cuộc chiến chống Covid-19?
- Trong hai năm qua, thế giới đã đối mặt với những gián đoạn chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong những thời điểm khó khăn đó, Ấn Độ và Việt Nam đã sát cánh cùng nhau, cung cấp thuốc men thiết yếu và vật tư tế để hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cơ quan lập pháp của mỗi nước cũng đóng một vai trò quan trọng, dẫn dắt và định hướng cho các nỗ lực này. Tôi mong đợi được trao đổi các kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi trong việc xử lý đại dịch với đoàn đại biểu của Việt Nam.
- Xin ông chia sẻ Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ?
- Việt Nam là một trụ cột chính trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và Việt Nam đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác của chúng tôi với khu vực ASEAN. Trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Sông Hằng, chúng tôi đã thực hiện một số dự án tác động nhanh, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp cộng đồng, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Việt Nam. Tôi vui mừng được đề cập đến việc nhiều sinh viên Việt Nam đã được nhận học bổng để sang Ấn Độ học tập, góp phần đưa hai nước chúng ta xích lại gần nhau hơn. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên đến Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình 1.000 học bổng tiến sĩ được cấp cho các nước ASEAN. Trong thời gian tới, với tinh thần của “Chính sách Hành động hướng Đông”, chúng tôi cũng hy vọng sẽ tăng cường kết nối cả trực tiếp và trực tuyến với Việt Nam.
- Việt Nam và Ấn Độ cần làm gì để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, thưa ông?
- Ấn Độ và Việt Nam có mối quan tâm lâu dài đến việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này cũng được thể hiện trong “Tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và con người” được hai nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tháng 12.2020 với sự tham dự của các thủ tướng hai nước. Chúng tôi cũng chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, góp phần đảm bảo sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, cả hai nước cần phải tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác, trên phương diện song phương cũng như thông qua khuôn khổ ASEAN và các cơ chế đa phương khác.
- Trân trọng cảm ơn ông!