Trống vắng tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi
Tại tọa đàm "Khoảng trống về sách văn học cho thiếu nhi" nhân dịp ra mắt Tủ sách Văn học trẻ của NXB Giáo dục Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, vai trò của văn học cho thiếu nhi đã được khẳng định từ lâu. Trước giai đoạn Đổi mới, qua các nhà xuất bản, Nhà nước có chính sách tài trợ, đặt hàng, khuyến khích các nhà văn viết cho thiếu nhi. Nhiều tác phẩm được in, số lượng đến hàng chục nghìn bản, đưa về các thư viện trong toàn quốc. Đã có một “thế hệ vàng” các nhà văn viết cho thiếu nhi như: Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam...
Tuy nhiên, sau này, các nhà xuất bản tự tìm đầu sách, tổ chức xuất bản, và thường chọn các đầu sách bán được trên thị trường như các tác phẩm văn học đề cập đến những vấn đề nóng của đời sống, những câu chuyện được nhiều người quan tâm... Văn học thiếu nhi khó bán, và một cách tất yếu, ít được chọn xuất bản, khó phát triển trong bối cảnh văn học đổi mới. Đội ngũ tác giả, nhà văn viết cho thiếu nhi, tác phẩm có tiếng vang rất khiêm tốn so với trước đây; chỉ một số ít nhà văn ăn khách mới bán được tác phẩm. Một lý do nữa là do văn hóa nghe nhìn phát triển, người viết và người đọc văn học thiếu nhi cũng giảm sút.
Đồng tình với ý kiến trên, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ thêm: “Thời kỳ trước đây, Báo Văn nghệ có 2 trang dành riêng cho các em, và tôi thường in tác phẩm ở đó. Báo Nhân dân cũng có một phần cho sáng tác dành cho lứa tuổi nhi đồng. Ngoài người lớn viết cho trẻ em còn khuyến khích trẻ em viết. Nhưng hiện nay, điều này ít được quan tâm, không có nhiều chuyên mục cho thiếu nhi, ít giải thưởng cho tác giả của văn học thiếu nhi”.
Trong khi đó, trước những yêu cầu bức thiết về năng lực và phẩm chất đa dạng cần có trong thời đại mới, học sinh không chỉ cần được trang bị những kiến thức cơ bản mà còn cần tự mình trau dồi hiểu biết rộng lớn về nhiều lĩnh vực của cuộc sống, về những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nhờ đó, các em mới có thể trở thành công dân toàn cầu, khẳng định bản thân và đạt tới thành công trong môi trường quốc tế. Và đọc sách là chìa khóa giúp các em có thể vươn tới những mục tiêu ấy. Cô Lê Hoàng Linh, Trường Tiểu học Edison cho biết: “Các em có nhu cầu đọc, nhà trường và phụ huynh ủng hộ việc đọc. Tuy nhiên, chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc tìm tác phẩm văn học phù hợp: tác phẩm dịch mới nhiều khi có các lỗi về chuyển ngữ; tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới có một số nội dung khá xa lạ với trẻ em hiện đại”.
Phát triển văn hóa đọc lành mạnh
Theo ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, văn học trẻ là mảng sách rất thiếu trong các thư viện nhà trường, tủ sách gia đình. Đứng trước những đòi hỏi của thời đại mới với thay đổi hàng ngày, hàng giờ về mặt công nghệ, việc gìn giữ và bồi đắp những giá trị cốt lõi trong phẩm chất con người càng cần được đề cao. Văn học sẽ là cái neo để các bạn trẻ đứng về phía thiện và bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Đó là lý do NXB Giáo dục Việt Nam ra mắt Tủ sách Văn học trẻ, nhằm giới thiệu những tác phẩm văn học có giá trị nhân văn sâu sắc, phù hợp với tâm lý lứa tuổi bắt đầu tìm hiểu, nhận biết thế giới, những vấn đề các em gặp phải nhưng nhiều khi không biết lối đi, không tìm được người chia sẻ. Tủ sách cũng mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa phát triển văn hóa đọc lành mạnh ở lứa tuổi học sinh, góp phần phát triển một thế hệ tương lai biết chia sẻ và có trách nhiệm, kích thích khả năng sáng tạo và ươm mầm những ước mơ.
Từ năm 2000 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức khá nhiều cuộc thi viết cho thiếu nhi, mua bản quyền sách, dịch và xuất bản ở Việt Nam. Thời gian tới, PGS. TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, nhà xuất bản sẽ tiếp tục những công việc này. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, cần có chính sách vĩ mô, cơ chế đặt hàng của Nhà nước để khuyến khích phát triển văn học thiếu nhi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định, quả thực vừa qua chúng ta xao nhãng văn học thiếu nhi, gần đây mới “tỉnh ngủ”, hy vọng sẽ có sự đổi mới. Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nhà văn Việt Nam vừa ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đề án "Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em"… Năm nay, giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cũng đã được tổ chức, cùng với các cuộc thi về viết giới thiệu sách, Tủ sách cho thiếu nhi là điều cần thiết.
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đang có ý tưởng thành lập Quỹ Văn học dành cho thiếu nhi, thành lập Hội đồng về Văn học thiếu nhi, có trại viết dành cho nhà văn viết cho thiếu nhi, tổ chức các cuộc thi, cũng như quan tâm hơn tới việc kết nạp nhà văn viết cho thiếu nhi... Với những nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng văn học thiếu nhi không còn là khoảng trống trong nền văn học nước nhà.