Chợ Tó xưa

Tó là tên Nôm, còn tên chữ là Tả Thanh Oai. Từ lâu làng Tó đã nổi tiếng bởi có chợ hàng tổng, hàng hóa phong phú, bán buôn sầm uất, trên bến dưới thuyền. Từ Phủ Lý, chợ Đại, cống Thần, Đồng Quan… thuyền đinh của các thương lái theo sông Nhuệ, lên chợ Tó mua bán, trao đổi, rồi họ lại ngược lên chợ Đa Sĩ, Cầu Đơ…

Thời Lê, Tả Thanh Oai là một trong 12 tổng thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Ngày nay, xã Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, gồm những làng nằm trải dài ven sông Nhuệ, cư dân sinh sống trù mật từ hơn ngàn năm trước, như: làng Nhân Hòa, là trang Lã Xuyên xưa, tục gọi Kẻ Lã; làng Thượng Phú, xưa có tên Trang Hạ, tục gọi Kẻ Hạ; làng Siêu Quần, trang Quần Cư xưa, tục gọi Kẻ Gùn. Có diện tích lớn nhất là Tả Thanh Oai, tục gọi Kẻ Tó, nổi tiếng thiên hạ với những dòng họ khoa bảng như họ Nguyễn, họ Ngô... Đặc biệt, dòng họ Ngô có nhiều người đỗ đạt, làm quan to, tài năng lớn như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...

Chợ Tó thoạt đầu nhóm họp ở rìa làng Tả Thanh Oai, hàng hóa nhanh chóng thông thương, nhưng quán chợ chật hẹp, khi mưa thì lầy lội. Đến khoảng năm Sửu, năm Dần (thế kỷ XVIII, chưa rõ năm nào), Phương Quận Công mua được một thân đất cao ráo và cho chuyển chợ đến đó, phạt gai góc làm đất bằng, dựng lều quán ven bến sông Nhuệ, xe cộ thông năm ngả... Kẻ buôn bán nhờ đó mà nên cơ nghiệp, khách mua hàng cùng người qua lại vui cảnh vui người. Chợ Tó thời đó nằm mé sau đình Tổ Thị, nơi thờ Thượng Ban Nhũ Mẫu, người đã nuôi con gái vua Lê Hoàn cùng Đô Hồ Phu Nhân. Từ chợ Tó đi qua bến sông là sang chợ Hữu (nay thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Là chợ hàng tổng nên chợ Tó hàng hóa phong phú và đông vui, trên bến dưới thuyền, bán buôn sầm uất. Từ Phủ Lý, chợ Đại, cống Thần, Đồng Quan... thuyền đinh của các thương lái chở từ thóc gạo, mắm muối, cá khô, cho đến đồ sành sứ và hàng tạp hóa... theo sông Nhuệ, lên chợ Tó mua bán, trao đổi, rồi họ lại ngược lên chợ Đa Sĩ, Cầu Đơ...

Là một vùng thuần nông, ngoài cày cấy, những khi nông nhàn, người Kẻ Tó còn làm nhiều nghề khác. Nhiều nhà có người làm hàng xáo, mang gạo ngon ra chợ bán, vừa lấy công làm lãi, vừa có tấm, cám để nuôi lợn. Khách mua bán từng qua Kẻ Tó đều tấm tắc khen lợn làng Tó con nào cũng mượt lông, béo tròn. Ngạn ngữ xứ Bắc có câu: Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn… để tôn vinh những vật phẩm nổi tiếng gà làng Tò (Hải Phòng), lợn Kẻ Tó (Sơn Nam Thượng) và vó kéo cá làng Vạn Đồn (Quảng Ninh). Cả xã Tả Thanh Oai có hơn năm trăm hécta đất canh tác, đều là đồng trũng. Trải qua nhiều đời, dân đã biết tận dụng lợi thế đồng nước để khai thác tôm cá tự nhiên, và dăm bảy chục năm trở lại đây đã trở thành làng chăn nuôi các loại thủy sản. Xa xưa cho đến ngày nay, chợ Tó vẫn bán các loại tép riu, tép gạo, tôm, cá... nhiều hơn hẳn các chợ lớn trong vùng. Cũng từ xưa, đồng đất Kẻ Tó rất thuận lợi cho việc chăn nuôi vịt, nhất là nuôi vịt lấy trứng. Chợ Tó xưa, ngày nào cũng có dãy hàng bán trứng vịt với những thúng trứng trăm quả tăm tắp như nhau...

Ngoài cày cấy, chăn nuôi, người Kẻ Tó còn làm hàng quà và nhiều nghề thủ công. Hàng quà thì từ bánh tẻ, bánh nếp, bánh khoai, cho đến bún và bánh đúc trâu bán tại chợ Tó và đem bán ở nhiều chợ gần xa. Bún làng Tó đã đi vào ca dao: Làng Châu bút mực bút son/ Còn bún làng Tó nuôi con học hành. Hàng thủ công, nhất là hàng mây tre đan, người Kẻ Tó làm rất khéo. Người tứ xứ thường đến chợ Tó để mua những mành, quang, áo tơi... hoặc đặt làm các công cụ đánh bắt thủy sản như chặng, đăng quây cá, đẩy riu, đẩy tôm, nơm, đó, lờ... Từ xưa, những ngày hội làng, chợ Tó còn là nơi mở hội hát trống quân, trong khi thi bơi thuyền tam bản diễn ra trên sông Nhuệ. Riêng làng Siêu Quần thì tổ chức thi bơi chải vào ngày 10.8, dịp cánh đồng đầy nước...

Trải qua thăng trầm lịch sử, Tả Thanh Oai biết bao thay đổi. Nơi chợ Tó xưa nay đã là những cửa hàng, cửa hiệu; nhưng hai bên đường đầu làng Tó vẫn có các gánh hàng quà bánh thơm ngon, vẫn những gánh tôm, cua, cá, rau, hoa quả… Hiện thành phố Hà Nội đã lập dự án xây Trung tâm thương mại trên mặt bằng chừng 2ha, chỗ gần Đường 70, liền kề siêu thị cao tầng sẽ có ngôi chợ mang dáng dấp chợ Tó xưa bên sông Nhuệ.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.