Mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân nước ngoài
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong nội dung sửa đổi các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 có nhóm các điều, khoản được sửa đổi để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam.
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 7 và Điều 9 của Luật hiện hành để nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Cơ bản tán thành với các đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, các đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị cần cân nhắc việc sửa đổi khoản 3, Điều 7 về nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
Trong đó, đại biểu Hà Phước Thắng nêu rõ, nên quy định rõ thời hạn là không quá 90 ngày sẽ hợp lý hơn. Bởi, nếu người nước ngoài làm thị thực vào ngày 31.1 thì thị thực điện tử sẽ hết hạn vào ngày 31.4, song tháng 4 hàng năm đều không có ngày 31, sẽ gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Tương tự, nếu cá nhân làm thị thực vào ngày 30.11 của năm trước thì theo quy định này thời hạn hết hiệu lực sẽ là ngày 30.2 của năm sau, nhưng tháng 2 chỉ có 29 ngày. “Quy định không quá 90 ngày sẽ chính xác hơn và khi làm thị thực cho người nước ngoài tại các cửa khẩu biên giới sẽ thuận lợi hơn”, đại biểu Hà Phước Thắng nhấn mạnh.
Liên quan đến sửa đổi điểm b, khoản 2, Điều 15, các đại biểu Hà Phước Thắng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu thực tế có những trường hợp khuyết tật vận động, nghe nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ… ở mức độ nặng và rất nặng. Do đó, các đại biểu đề nghị các trường hợp này cần quy định có người đại diện làm thủ tục giúp họ thì sẽ phù hợp hơn.
Nên bổ sung lực lượng biên phòng thực hiện khai báo tạm trú?
Theo Tờ trình của Chính phủ, Điều 33 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi theo hướng, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Các đại biểu Dương Văn Thăng, Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, cần bổ sung đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là đầu mối tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài. Bởi việc đồn biên phòng là cơ sở khai báo tạm trú đã được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từ một số điều ước, hiệp ước quốc tế mà nước ta tham gia đến Luật Biên phòng, Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định quy chế khu vực biên giới đất liền. Trong đó, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định quyền hạn, trách nhiệm của đơn vị biên phòng với việc tiếp nhận, xác nhận tạm trú của người nước ngoài.
Đại biểu Dương Văn Thăng cũng đề nghị bổ sung đồn biên phòng nơi gần nhất là nơi tiếp nhận tin tố giác tội phạm, vì các điều ước quốc tế về quản lý ở cửa khẩu Việt Nam đã ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ quốc gia đều quy định như vậy. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài muốn đăng ký tạm trú ngủ qua đêm ở khu vực biên giới, cửa khẩu đều phải thông báo, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, Bộ Công an hiện đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến nên đa số người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam đều khai báo lưu trú, tạm trú bằng dịch vụ này. Thực hiện như vậy tạo thuận lợi rất lớn cho họ khi vào du lịch, làm việc, đầu tư ở nước ta.
Mặt khác, khoản 2, Điều 34 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh hiện hành quy định, đối với trường hợp người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú khu vực biên giới hoặc thị trấn, thị xã, thành phố, khu vực du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính đặc biệt hoặc đơn vị khác có liên quan đến khu vực biên giới thì cơ quan tiếp nhận tạm trú của người nước ngoài có trách nhiệm thông báo với đồn biên phòng nơi cơ sở lưu trú đóng. Như vậy, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, việc khai báo tạm trú với cơ quan công an sau đó sẽ được thông báo với các đồn biên phòng.
Bên cạnh đó, goài trách nhiệm cùng với bội đội biên phòng thực hiện quản lý tạm trú, lưu trú về mặt hành chính theo quy định của các luật liên quan, thì lực lượng công an còn thực hiện quản lý trên góc độ nghiệp vụ - là nhiệm vụ chính của lực lượng này. Do vậy, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, quy định về khai báo lưu trú, tạm trú ở khu vực biên giới, cửa khẩu tại dự thảo Luật sẽ không có vướng mắc trong thực hiện.