Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước…
Đề nghị thực hiện theo phương thức hợp tác công tư
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây là tuyến cao tốc có vai trò quan trọng. Việc sớm hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ hình thành trục kết nối quan trọng, tạo không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Tờ trình của Chính phủ, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được quy hoạch có quy mô 6 làn xe, với chiều dài toàn tuyến 128,8km, trong đó đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8km, chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2km. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án này là 25.540 tỷ đồng, trong đó có 12.770 tỷ đồng vốn nhà nước, 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động. Dự án được chuẩn bị trong năm 2023, thực hiện từ năm 2024 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 (cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT; thời gian thu phí dự kiến trong khoảng 18 năm); các dự án thành phần giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, Bình Phước (các dự án thành phần 2,3,4,5) triển khai theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Để thực hiện dự án này, Chính phủ đề xuất, Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022; cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu giải phóng mặt bằng. Cơ chế chỉ định thầu sẽ được áp dụng trong 2 năm kể từ ngày dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.
Bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan
Các đại biểu tham dự phiên họp tán thành với sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); dự án đáp ứng đủ các tiêu chí của một dự án quan trọng quốc gia; hồ sơ thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung báo cáo làm rõ về tính hợp lý của việc đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, nhưng đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 2km) chỉ dừng ở quy mô đường cấp ba; chú ý triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ ngay từ khi bắt đầu thi công đường cao tốc này; đánh giá tính hợp lý của việc tách hệ thống đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc thành các dự án thành phần độc lập, giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản; tính khả thi của mốc thời gian hoàn thành dự án…
Một số ý kiến lưu ý, cần bổ sung vào hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành về đánh giá tác động của dự án này đối với hai dự án giao thông BOT song hành (dự án cầu BOT 38 và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887 trên tỉnh Đắk Nông); chủ động lường đoán những rủi ro do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nguồn nguyên vật liệu, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, khả năng bố trí vốn đối ứng của các địa phương…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây là tuyến cao tốc có vai trò quan trọng, góp phần triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải cho hai tỉnh Bình Phước, Đắk Nông mà còn đáp ứng cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên, đang phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần rà soát để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như các quy hoạch có liên quan khác”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP sẽ giúp tận dụng lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực quản lý và nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân, cũng như đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay, vì nhu cầu đầu tư công của chúng ta trong những năm tới là rất lớn.
Mặt khác, kinh nghiệm từ thực hiện một số dự án cao tốc khác cho thấy, khi có sự kết nối lưu thông giữa các tuyến cao tốc trong một khu vực thì lưu lượng lưu thông sẽ tăng nhanh, bảo đảm phương án tài chính của chủ đầu tư.
Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung thêm các luận cứ, số liệu… để minh họa cho tính khả thi của phương thức đầu tư này, qua đó giúp các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm bấm nút thông qua.
Do tiến độ hoàn thành dự án được Chính phủ xác định tương đối ngắn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, Bộ Giao thông Vận tải cần vào cuộc sớm, bám sát tập huấn, đào tạo cho các ban quản lý dự án của địa phương, để nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị; chú ý bảo đảm tiến độ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; bố trí nguồn đất đắp, bãi đổ thải, duy tu các đường công vụ; các tỉnh hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm tiến độ thực hiện; giải pháp xử lý khi tác động đến hai dự án giao thông BOT song hành…
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện bộ hồ sơ, các tài liệu điện tử để gửi qua Văn phòng Quốc hội trước ngày 10.4 tới.