Tạo dư địa cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1.7.2024 đến hết 31.12.2024) và giao Chính phủ tổ chức thực hiện.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, còn nhiều khó khăn, nên nếu tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ giúp các đối tượng tiêu dùng có động lực chi tiêu, tạo dư địa cho phục hồi sản xuất, kinh doanh. Qua đó, cũng tạo động lực cho doanh nghiệp duy trì và đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Tán thành với đề xuất của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đây là nội dung mới bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nên vấn đề cần cân nhắc hiện nay là có đưa ra trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội hay không? Có bố trí thảo luận trong các phiên họp toàn thể và tại tổ của Quốc hội không? Cách chuyển tài liệu đến đại biểu Quốc hội như thế nào?
Qua theo dõi ý kiến đại biểu Quốc hội trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với tiếp tục duy trì chính sách giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ hoàn thiện Tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thiện Báo cáo thẩm tra thể hiện chính kiến để gửi các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có công văn đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép không đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội mà thảo luận tại tổ, sau đó tổng hợp và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Quốc hội về kỳ họp. “Cách làm như vậy sẽ bảo đảm dân chủ, vì chỉ không đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, song các đại biểu vẫn tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra, để báo cáo bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm về việc trình các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong kỳ họp không đúng quy định, tránh phải điều chỉnh chương trình kỳ họp và các cơ quan Quốc hội có rất ít thời gian để nghiên cứu, thẩm tra. Đối với những vấn đề quan trọng, cần thiết phải chủ động nghiên cứu và kịp thời chuyển hồ sơ, Tờ trình cho Quốc hội, các cơ quan Quốc hội đúng thời gian quy định. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm trong việc dự báo tình hình phản ứng chính sách, không để xảy ra tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình Quốc hội cho phép gia hạn áp dụng như giảm thuế giá trị gia tăng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán mà nhu cầu cấp bách phát sinh; thực hiện đúng tiến độ việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, để báo cáo Quốc hội và gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức. Trong đó, nêu rõ quan điểm trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Tổ vào thời gian thích hợp do Văn phòng Quốc hội bố trí để xem xét quyết định và đưa thành một mục trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Bảy.