Cùng dự và chủ trì có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Trưởng Ban soạn thảo.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, theo chương trình, dự thảo Nghị quyết sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9. Do thời gian không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến về hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ chưa? Dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, có chồng chéo với các luật và Nghị quyết khác hay không? Bố cục của dự thảo Nghị quyết như thế nào?...
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, như nguyên tắc, thủ tục tiếp xúc cử tri; trách nhiệm của các cơ quan trong hướng dẫn, tổ chức tiếp xúc cử tri; các hoạt động tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong tình hình thiên tai dịch bệnh, tình huống bất khả kháng; tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri…
Dự thảo Nghị quyết kế thừa quy định của Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Nghị quyết số 525) về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và bổ sung 7 nội dung mới. Ban soạn thảo cần gom lại những vấn đề cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là những vấn đề trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại Phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo đã nghe Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà báo cáo tình hình triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết; một số nội dung, chính sách mới và một số nội dung cần tiếp tục xin ý kiến của dự thảo Nghị quyết.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng thời nêu rõ, tiếp xúc cử tri của ĐBQH ngoài địa bàn ứng cử còn ít được triển khai trên thực tiễn, do đó, nên cân nhắc đẩy mạnh hơn hình thức tiếp xúc cử tri này. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay mối liên kết vùng rất chặt chẽ, việc mở rộng địa bàn tiếp xúc cử tri sẽ giúp các đại biểu có tầm nhìn bao quát hơn về những vấn đề liên vùng, liên địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp xúc và lắng nghe cử tri ở các địa bàn khác, chứ không chỉ ở nơi bầu ra mình.
Các đại biểu cũng nhất trí với hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, đây là hình thức đã được triển khai hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh Covid - 19 bùng phát.
Có ý kiến đề nghị, cần bổ sung quy định trách nhiệm của các thành phần, đối tượng tham gia tiếp xúc cử tri cùng ĐBQH, Đoàn ĐBQH, bởi có nơi, có lúc các đối tượng này chưa quan tâm đúng mức đến các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, làm giảm chất lượng của hoạt động tiếp xúc cử tri.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các thành viên Ban soạn thảo cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết việc triển khai Nghị quyết số 525, Tờ trình và báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị cũng như báo cáo rà soát dự thảo Nghị quyết với các Nghị quyết, luật có liên quan; báo cáo đánh giá tác động của các chính sách mới, có bảng biểu so sánh, các tài liệu nghiên cứu và phụ lục.
“Dự thảo Nghị quyết phải kế thừa Nghị quyết số 525, có bổ sung những nội dung mới phát sinh, đã chín, đã rõ và không nêu lại nội dung các luật đã quy định”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.