Chiến tranh Việt Nam nhìn từ phía bên kia

Lần đầu tiên, 50 bức ảnh trong di sản đồ sộ về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam được hãng thông tấn Mỹ AP giới thiệu tại Hà Nội, kể lại những khía cạnh con người phía sau cuộc chiến. Những bức ảnh như một lời nhắc nhở về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do.

Bức ảnh đoạt giải Pulitzer của Horst Faas ghi lại cảnh một người ôm xác con trong khi lính biệt kích của quân đội Sài Gòn nhìn xuống từ xe thiết giáp
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer của Horst Faas ghi lại cảnh một người ôm xác con trong khi lính biệt kích của quân đội Sài Gòn nhìn xuống từ xe thiết giáp
Trong số 50 tác phẩm đang được trưng bày tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, có những tác phẩm từng giành giải thưởng Pulitzer, và cũng là những hình ảnh thế giới nhớ nhất về cuộc chiến này. Như bức ảnh của phóng viên Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn vào thời điểm đầu cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968; hay bức ảnh em Kim Phúc bị bỏng bom napalm năm 1972 của phóng viên Nick Út; tấm hình của Malcolm Browne chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963...

Ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng AP cho biết, để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam 40 năm trước, AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới Văn phòng Sài Gòn. Họ đã tạo ra một trong những di sản ảnh đồ sộ nhất của thế kỷ XX. Những bức ảnh và việc đưa tin của AP đã đem đến cho người Mỹ và người dân các nước trên thế giới bức tranh toàn diện về những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Tuy vậy, các phóng viên của AP cũng đã phải vượt qua nhiều trở ngại để làm được điều này. Có sức ép đối với phóng viên tại hiện trường Việt Nam và ban lãnh đạo AP ở Mỹ, sức ép từ những người nghĩ rằng việc đưa tin về cuộc chiến không công bằng. "Việc quyết định đưa tin về một cuộc chiến như thế nào, bài nào và bức ảnh nào được đăng trong thời gian chiến tranh không bao giờ dễ dàng. Nhưng sứ mạng của AP là luôn đưa tin một cách chính xác, khách quan và trung thực" - ông Gary Pruitt khẳng định.

Nhằm giới thiệu rộng rãi di sản ảnh này, 2 năm trước, AP đã thu thập những bức ảnh đó trong cuốn sách ảnh Việt Nam: Cuộc chiến cận cảnh. Trước đó, các triển lãm ảnh tương tự với những bức ảnh lấy từ cuốn sách này đã diễn ra tại Phòng tranh Steven Kasher ở New York, Mỹ và trụ sở chính của báo Guardian ở London, Anh. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, các bức ảnh lịch sử này được giới thiệu tại Việt Nam, sẽ kể lại câu chuyện về con người phía sau cuộc chiến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhận định: "Tin và ảnh của hãng AP trong những năm chiến tranh đã góp phần giúp dư luận Mỹ và quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, giúp tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước sau chiến tranh. Bộ sưu tập ảnh của những phóng viên ảnh xuất sắc nhất của AP đã ghi lại những khoảnh khắc, những thảm kịch đối với đất nước và người dân Việt Nam một cách chân thực và ấn tượng. Những bức ảnh này như một lời nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do".

Việt Nam: Cuộc chiến tranh qua ảnh diễn ra đến ngày 26.6. Kết thúc triển lãm, những bức ảnh tư liệu quý giá này sẽ được tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tham quan triển lãm, đạo diễn Đặng Nhật Minh - người từng thành công với nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng bày tỏ: "cám ơn những nhà nhiếp ảnh, nếu không, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam chỉ được nhìn từ một phía, là phía chúng ta. Phía Việt Nam cũng có nhiều bức ảnh giá trị, nhưng phóng viên AP ghi lại nhiều hình ảnh chân thực về sự khốc liệt, những nỗi đau trong chiến tranh; về sự phản chiến; tâm trạng của người lính buộc phải cầm súng, tham gia cuộc chiến không phải vì ủng hộ cho chính quyền của họ... Bên cạnh đó, tôi thấy sự dũng cảm của các phóng viên, họ vượt qua làn tên mũi đạn, đến nơi rất nguy hiểm để có những bức ảnh này. Tôi mong muốn triển lãm không chỉ dừng ở một điểm, mà sẽ được giới thiệu trên toàn quốc, đặc biệt là tới các trường đại học, trường phổ thông, để thế hệ trẻ được xem những bức ảnh này".

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.