Năm 22 tuổi, khi đang là sinh viên năm cuối, tôi chọn làm luận văn tốt nghiệp về tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nên tìm gặp ông để phỏng vấn đôi điều. Hai năm sau, tôi viết tiếp một cuốn luận văn cao học về tác phẩm của ông, mà sau nhìn lại tôi vẫn thấy mình mơ hồ. Nhưng những câu văn của ông thì khắc sâu vào tâm khảm. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn xưa nay tôi trích dẫn nhiều nhất.
**
*
Nguyễn Huy Thiệp dặn mình, dặn người: “Cuộc đời trôi đi đơn giản, day đi dứt lại để làm gì?”
Rồi ông viết:
"Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi…"
Nhưng rốt cuộc văn chương của ông lại là thứ băn khoăn và "day đi dứt lại" nhiều nhất. Nó không để người ta yên, nó buộc người ta nhìn thấy sự đáng thương của kiếp người và sự hoang vắng của kiếp đời. Nỗi xót thương đậm đặc trong các trang văn gây cảm giác tê tái buồn, nhưng cũng vì thế mà thôi thúc người ta nghĩ tới điều tử tế.
Năm 2004, ông viết truyện ngắn "Những tiếng lòng líu la líu lo", một tên truyện khá vui tai. Đây là một trong những truyện ngắn cuối cùng trong đời văn của ông. Nhân vật chính là một cô sinh viên 22 tuổi sắp ra trường. Ông nói, tôi lấy cô là nguyên mẫu khi viết truyện ngắn này. Thực ra tôi đã chẳng biết gì về bản thân mình lúc ấy. Cho đến sau này già dặn đi và đọc lại truyện, tôi mới nhận ra là ông đúng, khi nói về cảm giác hoang mang tan rã xen lẫn niềm háo hức, thậm chí ngông cuồng muốn chiếm lĩnh cuộc sống của những người trẻ như tôi.
Trong truyện có nhân vật giáo sư Lê, một ông giáo già buồn bã. "Chúng ta buộc phải chấp nhận sự dung tục ở trong cuộc sống như không khí, như nước rửa hằng ngày... Dù cho thế nào đi nữa các em cũng phải tin rằng cuộc sống tươi đẹp. Nhớ chưa nào? - GS. Lê nói - Hiểu rằng cuộc sống thực ra vốn dĩ là thế và ta hãy chịu đựng nó, cố gắng làm cho nó tươi đẹp hơn lên. Nếu không chịu đựng được nữa, không làm được gì cho nó bớt xấu xa đi thì lúc ấy hãy tìm đến những người bạn cũ và nhớ đến tuổi thanh xuân trong trắng của mình. Hãy nhớ đến giờ phút này”.
Suốt những năm đó về sau, tôi hỗ trợ ông các giao dịch về bản quyền với trong nước và một số nhà xuất bản nước ngoài. Qua năm tháng, tôi lắng nghe ông và quan sát ông, nhận ra ông đa chiều cũng như văn của ông vậy. Ông minh triết khi nói về bản chất đời sống nhưng cũng lại ngây thơ trước hiện thực đang diễn biến quá nhanh; ông kiêu ngạo biết mình là một nhà văn lớn nhưng cũng khiêm nhường hành xử bởi thấu hiểu rằng ai ai cũng một kiếp người; ông vừa hài lòng với nghiệp viết của mình lại vừa thấy chưa thỏa chí tang bồng văn chương…
Tôi nhiều lần giục ông viết hồi ký, hoặc không viết mà thu âm, và tôi sẽ xử lý giúp tư liệu. Nhưng ông chưa sẵn sàng (hay là ông đã âm thầm viết?) Thế rồi cơn bạo bệnh ập đến không lường được…
Ngày ông mất, Hà Nội bỗng chuyển lạnh và rồi trời cơn mưa to. Tôi cứ tin đấy là cơn mưa gột rửa bụi trần tiễn một linh hồn về miền thiên thu…