
Trước khi người ta biết đến ông trùm truyền thông Murdoch cùng tờ lá cải có lịch sử 100 năm tuổi nay đã đóng cửa do hàng loạt vụ bê bối vô đạo đức News of the World, báo chí thế giới từng xuất hiện một nhân vật tên là W. T. Stead.
Stead là một trong những ký giả đầu tiên của thế kỷ XIX. Ông là một nhà cách tân, một chuyên gia tổ chức chiến dịch và là người chủ trương một cách không hổ thẹn của khái niệm “báo chí tạo nên chính quyền”. Stead không bao giờ e ngại việc tự biên tự diễn các tin tức và câu chuyện, nếu chúng có tiềm năng giúp ích cho các chiến dịch của ông.
W. T. Stead đã giúp sản sinh ra ngành báo chí lá cải hiện đại. Thế nhưng cho đến tận thời điểm hiện tại, cuộc đời thăng trầm của Stead chưa bao giờ nhận được sự công nhận thích đáng về phương diện tiểu sử như ông xứng đáng được hưởng. W. Sydney Robinson, một nhà báo nhạy cảm với các chi tiết vi mô, đã khắc phục sự thiếu công bằng đó bằng cuốn sách Muckraker, công trình nghiên cứu quy mô đầu tiên về W. T. Stead – ký giả “điều tra” đầu tiên của nước Anh.
Một ký giả tài năng
Là một con chiên Cơ đốc ngoan đạo, lập dị và là một nhà luân lý học khắc kỷ, Stead còn được biết đến như một cây bút ưa thích việc tạo ra những câu chuyện giật gân, đến nỗi các phương thức làm báo của ông vẫn là đề tài tranh cãi sôi nổi đến tận ngày hôm nay. Sinh ra vào năm 1849, Stead lớn lên ở Embleton, Northumberland, là con trai của một mục sư khổ hạnh thuộc giáo hội Scotland, nghèo đến nỗi không đủ tiền cho sáu đứa con đi học ở trường, thay vào đó dạy lũ trẻ ở nhà bằng một giáo án khắc nghiệt.
Nhưng nhân vật để lại ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với sự nghiệp của Stead sau này lại là mẹ ông, người phụ nữ xuất thân nông dân song lại rất giàu tri thức. Một trong những ký ức tuổi thơ thú vị nhất của Stead là việc mẹ ông dẫn đầu chiến dịch địa phương phản đối đạo luật gây tranh cãi Contagious Diseases Acts – yêu cầu đám phụ nữ làm nghề bán dâm phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe.
Khi Stead trở thành biên tập viên báo chí trẻ nhất nước Anh ở tuổi 22 tại tờ Darlington Northen Echo, ông noi gương mẹ mình bằng việc trở thành một nhà tranh đấu không khoan nhượng cho quyền lợi phụ nữ. Ông bắt đầu gây tiếng vang vào năm 1876, bằng loạt bài viết tố cáo tội ác của quân Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Bulgaria, mà chính quyền Anh do đảng Bảo thủ cầm quyền khi đó đã không làm gì để ngăn chặn.
Giọng văn sắt đá của Stead đã góp phần giải tán chính phủ, và mang lãnh đạo đảng Tự do là William Gladstone lên nắm quyền vào năm 1880. Với sự giúp đỡ của đích danh Gladstone, Stead được mời đến thủ đô London, nơi ông đảm nhiệm chiếc ghế phụ tá biên tập của tờ Pall Mall Gazette, sau này đổi tên thành Evening Standard. Để lại vợ cùng bốn đứa con ở thành phố Darlington, Stead quyết tâm làm một cuộc cách mạng để thay đổi tờ báo vốn có truyền thống bảo thủ là “do quý ông viết và dành cho quý ông”.
Sau đó, chiến dịch cách tân mà Stead làm tại tờ Gazatte với tư cách biên tập viên bao gồm in hình các bản đồ và biểu đồ lên trên mặt báo (điều chưa từng có tiền lệ), chia nhỏ các bài báo dài bằng những tiểu mục hấp dẫn cũng như pha trộn quan điểm cá nhân với ý kiến những nhân vật do ông phỏng vấn. Nhưng chỉ viết lách và biên tập không thôi vẫn chưa đủ thỏa mãn Stead, người đàn ông có tầm nhìn báo chí vượt trước thời đại: ông muốn tạo ra tin tức, chứ không chỉ là kể lại chúng.
Nếu không có tin tức, hãy tự tạo ra tin tức
Stead tìm thấy đề tài lớn đầu tiên của mình bên ngoài văn phòng cá nhân ở khu Strand, hang ổ của phường trộm cắp, bài bạc và đĩ điếm. Quá giận dữ trước sự đồi bại của những khu ổ chuột trên khắp London, ông viết một bài xã luận nhan đề Is It Not Time? (Không phải đã đến lúc rồi sao?), xuất bản vào tháng 10 - 1883, trong đó Stead chỉ trích người dân London đang tỏ ra “quá bận rộn hoặc quá nhàn rỗi, quá thiếu bản sắc hoặc quá ích kỷ” để làm điều gì đó cải thiện tình hình xã hội đáng chán lúc bấy giờ.
Tiếp đến, vào năm 1885, Stead – tự xưng mình là “tên man rợ từ phương Bắc” phát động một chiến dịch chống lại nạn buôn bán trẻ em làm nghề mại dâm, giúp làm vững chắc triết lý “báo chí tạo nên chính quyền” của ông. Bằng sự nghiên cứu cẩn thận và kỳ công, tác giả Robinson đã ghép nối một cách tinh tế thông điệp ẩn bên dưới loạt bài viết của Stead có nhan đề The Maiden Tribute of Modern Babylon (tạm dịch: Sự cống nạp trinh nữ cho xứ Babylon hiện đại), vốn muốn chỉ mặt đặt tên “thói đạo đức giả của những quý ông đáng kính thường xuyên lui đến nhà thổ”.
Ronbinson phân tích, ý định của Stead khi đó là vạch cho thiên hạ thấy rõ sự dễ dàng trong việc người ta cố gắng lấy lòng các chủ nhà thổ, để được ưu tiên chọn những bé gái “chất lượng” nhằm phục vụ nhu cầu sinh lý của bản thân. Thật không may cho Stead, ý định này bỗng trở nên khá khó khăn.
Luôn bị gây khó dễ tại mọi góc đường bởi giới chủ chứa, Stead vẫn quyết tâm phải có bằng được câu chuyện để đăng báo. Ông sắp xếp một giao kèo “mua” Eliza Armstrong, đứa con gái 13 tuổi của một người làm nghề quét ống thông hơi lò sưởi, cô bé sau đó được Stead đưa sang tận… Pháp, để chứng minh mọi chuyện sẽ dễ dàng tới mức nào nếu chẳng may đây lại là một vụ bắt cóc phi pháp thật sự.
Khi số đầu tiên của loạt bài Maiden Tribute of Modern Babylon ra mắt, Stead rất cẩn trọng trong việc định hướng sự chú ý của người đọc: “Những ai dễ tự ái, tính hay cả thẹn, và tất cả mọi kẻ thà sống trong thiên đường xuẩn ngốc của những điều trong trắng và tinh khiết dối trá… đừng nên đọc số báo Pall Mall Gazette ra ngày thứ hai và ba này”.
Loạt phóng sự của Stead ăn khách đến nỗi tờ Gazette cạn sạch nguồn giấy in, phải lấy hàng từ chính tờ báo địch thủ Globe. Người ta còn bán lại các tờ báo cho nhau với giá gấp 20 lần giá gốc.
Danh tiếng của Stead bắt đầu chấm dứt khi câu chuyện đăng trên tờ Gazette lan đến khu ổ chuột của mẹ cô bé Eliza Armstrong. Hóa ra bà bị Stead lừa sẽ giúp kiếm mối làm hầu gái cho cô con gái. Kết cục, Stead thụ án ba tháng tù giam, nhưng loạt bài viết của ông đã gây chú ý trong công luận đủ lớn để tác động vào sự thông qua của Đạo luật Hiệu chỉnh Luật Tội phạm 1885, trong đó nâng độ tuổi cho phép kết hôn đối với nữ giới Anh Quốc từ 13 lên 16 (hiện vẫn còn hiệu lực).
Một người yêu hòa bình
Tác giả Robinson nhận xét loạt bài Maiden Tribute – vốn là nguồn cảm hứng để văn hào George Bernard Shaw viết vở kịch Pygmalion – là mảnh đất Stead phát huy hết sở trường của mình. Và dù Stead, sau khi ra tù, vẫn tiếp tục theo đuổi cách thức làm việc đặc trưng của báo chí lá cải, chẳng hạn thọc ngoáy vào cuộc sống riêng tư của giới chính trị gia và người nổi tiếng, ông còn trở thành một nhân vật tranh đấu vì hòa bình, cũng như mơ ước về một khối liên hiệp châu Âu thống nhất.
Không rõ vì lý do gì mà tác giả Robinson không nhắc đến chi tiết Stead từng được đề cử vài lần giải Nobel Hòa bình. Người ta đồn rằng ông đã chạm rất gần giải thưởng này vào năm 1912, sau khi chết trong thảm họa tàu Titanic. Cuốn Muckraker cũng không nói nhiều đến mối quan hệ phức tạp của Stead với người vợ Emmy, điều mà chính Robinson thừa nhận là nằm ngoài khả năng nghiên cứu do thiếu quá nhiều thông tin cần thiết.
Dù gì thì gì, điều đọng lại cuối cùng trong tâm trí người đọc là chân dung một người đàn ông luôn chiến đấu một cách không vụ lợi cho những gì ông tin là thuộc về lẽ phải. Một trong nhân chứng cuối cùng nhìn thấy Stead là khi ông có mặt trên con tàu Titanic lúc nó vừa va phải băng trôi: không mảy may suy nghĩ, Stead trao chiếc áo cứu sinh của mình cho một hành khách, và giúp đưa phụ nữ cùng trẻ em xuống thuyền cứu sinh.