Thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật trình Hội nghị lần này gồm 7 chương và 57 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư đã giảm 14 điều; đồng thời, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, bổ sung mới và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương cho hợp lý, thống nhất. Theo đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại quy định về phạm vi điều chỉnh, khái niệm về sự cố, thảm họa; quy định rõ thêm các nội dung khác của dự thảo Luật liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nêu rõ, qua Báo cáo tổng kết và kết quả khảo sát thực tế, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, hiện nay hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở Trung ương và các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất nên công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy là cần thiết, nhằm thu gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo sửa Điều 37 thành Điều 35 đổi tên là “Cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự” và thống nhất sử dụng cụm từ “Ban chỉ đạo quốc gia”, “Ban chỉ huy phòng thủ dân sự”; bỏ khoản 1 quy định “Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự”; bổ sung quy định “Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia”. Các bộ, ngành chịu trách nhiệm tham mưu, chỉ huy, chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công đối với sự cố theo quy định của các luật có liên quan.
Bảo đảm người dân được tiếp cận thông tin hiệu quả nhất
Các đại biểu Quốc hội đánh giá dự thảo Luật đã khá hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nhất trí về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhận thấy, dự thảo Luật đã có sự phân định rõ về phạm vi điều chỉnh, không chồng chéo với các luật hiện hành.
Về cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự tại Điều 35 dự thảo Luật, đại biểu cơ bản tán thành việc sửa Điều 37 thành Điều 35 như báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu và cho rằng việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy là cần thiết.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, hiện nay phòng thủ dân sự ở cấp Trung ương có 3 tổ chức gồm: Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong khi đó, ở cấp bộ, ngành, địa phương chỉ có một tổ chức là Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban chỉ huy phòng thủ dân sự.
Xét về chức năng nhiệm vụ, 3 tổ chức trên đều làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Hơn nữa, thành viên của 3 tổ chức này đều là lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đều chỉ đạo một tổ chức ở bộ, ngành địa phương, do đó gây ra sự chồng chéo. Như vậy việc hợp nhất sẽ bảo đảm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cũng quan tâm đến nội dung của Điều 35, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị cần quy định rõ cơ quan thường trực ở địa phương, nhất quán với quy định cơ quan thường trực ở trung ương để bảo đảm tính rõ ràng trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, áp dụng luật.
Về quyền tiếp cận thông tin của cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37, đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, dự thảo Luật quy định theo hướng cá nhân tiếp cận thông tin về sự cố thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Từ thực tế giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn đã có nhiều thông tin, quy định, các chính sách trong phòng, chống dịch chưa được đưa tới người dân một cách hiệu quả, đặc biệt là có sự khác biệt giữa các địa phương dẫn đến việc nhiều người dân lúng túng trong việc chấp hành các quy định, không được bảo đảm về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực trong thời gian dịch bệnh.
Nhấn mạnh đó là bài học cần nghiên cứu khi xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Hà Phước Thắng kiến nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự để người dân được tiếp cận thông tin, chính sách một cách hiệu quả nhất.