Tiếp tục định hướng phát triển trang trại quy mô lớn
Năm 2022, tổng đàn heo của tỉnh Đồng Nai đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4%; tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ; đàn trâu bò trên 90 ngàn con, dê khoảng 192 ngàn con, tổng đàn chim cút đạt trên 8,2 triệu con. Ước tổng sản lượng thịt cung cấp ra thị trường trong năm 2022 đạt trên 630 ngàn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng trứng ước đạt gần 1,2 tỷ quả, tăng hơn 6,6% so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của Đồng Nai đạt hơn 14,4 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, hiện tổng đàn heo khoảng 2,35 triệu con, đàn gà khoảng 25 triệu con. Với tổng đàn như hiện nay, bình quân mỗi tháng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 37 ngàn tấn thịt heo, 17 ngàn tấn thịt gà, gần 120 triệu trứng gia cầm. Đồng Nai không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn. Với 2 vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó, khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP. Tổng sản lượng thịt đạt chuẩn VietGAHP cung ứng ra thị trường khoảng 165 ngàn tấn thịt/năm. Trong đó, tổng sản lượng thịt heo VietGAHP khoảng 110 ngàn tấn/năm và tổng sản lượng thịt gà khoảng 55 ngàn tấn/năm. Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cũng đang phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Đồng Nai vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: việc áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) chưa được thực hiện đồng bộ; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước nên sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chưa cao; ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc gia cầm dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi, cần thời gian, chính sách ưu đãi và các gói tín dụng để phục hồi.
Đồng bộ giải pháp để có chuyển biến tích cực
Đặc biệt, sau dịch Covid-19 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi thấp dưới giá thành cùng với bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại đã khiến người chăn nuôi kiệt quệ. Hầu hết người chăn nuôi, doanh nghiệp đều sử dụng vốn vay từ ngân hàng trong khi lãi suất tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá thành lợn hơi lại giảm khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên. Thực trạng lợn “ăn” sổ đỏ ngày càng lan rộng trở thành nỗi sợ hãi của người chăn nuôi, giảm năng lực tái đàn.
Tháng 3.2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo Cục chăn nuôi đã có buổi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ghi nhận những khó khăn ngành chăn nuôi đang đối mặt như: giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất trong khi chi phí đầu vào cao; chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài; câu chuyện khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi xuất ngân hàng tăng… Đứng trước những khó khăn đó, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công đã đề nghị Ngân hàng nhà nước có chính sách gia hạn nợ gốc, giảm 1 phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19 cho ngành chăn nuôi. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại như Agribank, Vietcombank, HD Bank, VP Bank... tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh để triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, vì nếu đứt nguồn vốn, có thể các trang trại sẽ phá sản ngay.
Đặc biệt, trong quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, các ngân hàng nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn... để tăng quy mô làm ăn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét, Đồng Nai là tỉnh có quy mô chăn nuôi rất lớn, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi phải đi vào ngành hàng kỹ thuật tuần hoàn như đầu tư cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường... Ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Trước đó, bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, lĩnh vực chăn nuôi của Đồng Nai được xác định tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cấp chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc; hoặc hình thức liên kết chăn nuôi gồm: cơ quan quản lý nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp sản xuất thức ăn - người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi - giết mổ - buôn bán; khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ, hạn chế manh mún nhỏ lẻ nhằm giảm chi phí trong nuôi, tăng khả năng cạnh tranh (cùng nhau nhập, hợp đồng con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư…hạ giá thành, số lượng xuất bán lớn, hạn chế thương lái ép giá…), kiểm soát, khống chế dịch bệnh.