Gỡ vướng cho người đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành.
Nhiều đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; đồng thời, bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này. Bày tỏ thống nhất quy định này, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý giúp các địa phương chấm dứt những vướng mắc trong việc thực hiện cấp giấy tờ cho người đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch hoặc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật khác.
Tuy nhiên, Luật Quốc tịch Việt Nam chỉ quy định người không quốc tịch; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và không có khái niệm về đối tượng là người gốc Việt sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch. Do đó, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, xác định đối tượng của dự thảo Luật là người gốc Việt sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch để thống nhất với Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm tạo thuận tiện trong quá trình áp dụng trên thực tế.
Chưa nhất thiết quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi
Một trong những nội dung lớn của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Đồng tình bổ sung quy định này, ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho biết, hiện nay nhu cầu đi máy bay, sinh hoạt trong nước, trại hè, du lịch… của người dưới 14 tuổi đều cần thiết có khai sinh. Do đó, đặt ra nhu cầu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm việc cá nhân phải mang theo nhiều giấy tờ khi ra ngoài.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi. Theo đại biểu Tráng A Dương, những người dưới 14 tuổi sẽ có sự thay đổi rất nhanh về vóc dáng và ngoại hình, trong khi thẻ căn cước lại có thời hạn. Dẫn chứng thêm kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết, một số nước nếu muốn cấp thẻ căn cước phải có giám hộ hoặc xác nhận của phụ huynh thì mới được. Vì vậy, đại biểu đề nghị, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của quy định này.
Cùng chung quan điểm, Nguyễn Văn Huy chỉ rõ, hiện nay công dân dưới 14 tuổi không được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự. Và dù được cấp thẻ căn cước công dân thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ và bản thân các đối tượng này trong các quan hệ giao dịch vẫn đang dùng giấy khai sinh.
Cũng cho rằng, hiện nay chưa nhất thiết phải quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi song nếu vẫn quy định, theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), cần xác định rõ thời gian cấp lần đầu cho người dưới 14 tuổi và yêu cầu phải cấp lại khi đủ 18 tuổi hoặc tối đa là 20 tuổi. Như vậy để bảo đảm quyền công dân và phù hợp với sự phát triển sinh học của con người.