Cảm xúc ngày lễ Độc lập đầu tiên qua một bài ca

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chủ tịch, tháng 8.1945, nhân dân ta đã vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, cuộc cách mạng thành công. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã chấm dứt hàng nghìn năm chế độ quân chủ phong kiến, đập tan xiềng xích hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và giành chính quyền từ phát xít Nhật. Đây là thắng lợi vĩ đại, mở ra bước ngoặt, trang sử hào hùng trong lịch sử dân tộc, lần đầu tiên Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của chế độ thực dân, đế quốc (thần dân của chế độ quân chủ) trở thành công dân của nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình với chính thể Cộng hòa.

Trang sử mới, nguồn sống mới của dân tộc

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chính phủ Cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Từ đó, ngày 2.9 được lấy là ngày Quốc khánh của nước ta.

Có nhiều tác phẩm văn học, ký sự, phim ảnh tư liệu lịch sử mô tả về ngày lễ trọng đại 2.9.1945. Trong đó, có một ca khúc đã thể hiện rất thành công về sự kiện trọng đại này. Đó là bài hát “Ba Đình nắng” - nhạc của Bùi Công Kỳ, phổ thơ của Vũ Hoàng Địch (sáng tác cuối năm 1947). Có thể nói đây là ca khúc gần như có một không hai xoay quanh chủ đề chính là mô tả rất sinh động buổi lễ tuyên bố Độc lập. Nội dung ca từ của bài hát phản ánh chân thực, khách quan nhất về không khí hồ hởi, niềm xúc động dâng trào trước giờ phút thiêng liêng của nhân dân trong ngày lễ đặc biệt này; ca ngợi Bác Hồ kính yêu và ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên mùa Thu của đất nước, khí thế cách mạng của Thủ đô Hà Nội. Ca khúc được mở đầu bằng hai câu xuyên suốt chủ đề chính của tác phẩm:

“Gió vút lên! ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới
Gió vút lên! đây bao nguồn sống mới dạt dào”.

Khung cảnh ngày lễ Quốc khánh đầu tiên tại Quảng trường Ba đình thật đẹp, hùng vĩ, lá cờ biểu trưng của một quốc gia, của nước ta hôm đó có nền màu đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, được xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (11.1940) đã thấm bao máu đào của người yêu nước ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc (hơn một năm sau ngày Độc lập, Lá cờ đỏ sao vàng đã được QH quy định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, tháng  11.1946 và được biểu trưng đến ngày nay). Cách mạng thành công đã mở ra một trang sử mới, nguồn sống mới của dân tộc, từ ngày hôm nay đất nước ta bước sang trang mới, một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào là công dân tự do của một nước độc lập.

Cho đến nay, bất cứ ở đâu mỗi khi nhìn thấy Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cùng với bài Tiến quân ca, trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn dâng trào xúc động về niềm tự hào dân tộc. Cảm xúc, niềm tự hào này được nhân lên bội phần trong ngày đầu Độc lập. Hình ảnh rất đẹp là lá cờ đỏ phấp phới, kiêu hãnh tung bay trong nắng vàng, gió lộng của ngày Độc lập đầu tiên báo hiệu lòng quyết tâm của người dân và thế đi lên của đất nước.

Đối với mỗi con người thì Tổ quốc “độc lập” là những tiếng vô cùng thiêng liêng, nhất là đối với người dân Việt Nam bị “một cổ hai tròng” của thực dân, đế quốc mới thấy được giá trị của nước nhà Độc lập, người dân là người làm chủ được tự do quyết định mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Tác phẩm Ba Đình nắng đã phản ánh tâm trạng, niềm vui hân hoan của người dân trong ngày Độc lập đầu tiên. Người dân Việt Nam sẵn có lòng yêu nước nồng nàn. Sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước. Lịch sử đã chứng minh dân tộc ta không chịu khuất phục trước ngoại xâm; nhất là từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta nhiều cuộc khởi nghĩa bùng nổ (phong trào Cần Vương)... đều thất bại do sự đàn áp của thực dân và tay sai. Chỉ từ khi có Đảng Cộng sản ra đời, lãnh đạo thì mới thành công. Do đó, không thể tả hết niềm hân hoan vô bờ của người dân trong ngày lễ Độc lập.

Có hai sự kiện thể hiện rõ lòng dân đối với ngày Độc lập. Thứ nhất, câu nói của Bảo Đại - vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, trước khí thế của Cách mạng: “Thà là người dân của nước độc lập, còn hơn làm Vua của nước nô lệ”. Thứ hai, trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi mà từ giữa những năm 1966, khi là thiếu nhi chúng tôi được đọc và đã cảm nhận thấy khi cha của nhân vật An tại vùng xa xôi, mãi phía Nam của Tổ quốc đã thể hiện: “Lần đầu tiên, tôi (An) nghe thấy ba tôi nói hai tiếng “Độc lập” với vẻ mặt đầy xúc động: - Bà nó ơi độc lập rồi? thằng An, mày có biết không, Tổ quốc ta từ nay Độc lập rồi.

Ông nói lắp bắp như vậy, mặt mũi tay chân đỏ bừng như con gà trống. Và bằng một dáng điệu rất tự hào, ba tôi đứng nghiêng đầu, nhìn lá cờ đỏ sao treo trên bục ảnh Hồ Chí Minh mà các anh Tự vệ Tiền phong vừa dựng ở ngã ba đường…

Thành phố nhuốm và đỏ rực của băng, cờ khẩu hiệu ngày đêm rầm rập bước chân của thanh niên, phụ nữ Tiền phong… của các đội dân quân cách mạng vũ trang, của quần chúng từ những làng quận xa xôi kéo về tỉnh mừng ngày hội lớn có một không hai đó”.

Có lẽ phải nhìn sự kiện này khi phương tiện liên lạc, giao thông rất hạn chế thời năm 1945 mới thấy được hai từ “Độc lập” thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam!

“Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại”

Tại Hà Nội, ngày 2.9.1945 cả thành phố đỏ rực cờ, sao. Một biển người và cờ đỏ sao vàng đứng chật Quảng trường, rừng cờ tung bay trước gió mùa thu. Biển người rạng rỡ hân hoan, náo nức hồi hộp chờ đợi giây phút vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn độc lập, thể hiện trong ca khúc:

“Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy; Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại; Năm cánh xòe trên năm cửa ô...”.

Những lời ca giản dị, hào hoa thể hiện thái độ, tấm lòng nhiệt tình của người dân Thủ đô đối với ngày trọng đại của đất nước, các phố phường được ví với dòng sông đỏ rực cờ, hoa thể hiện sức mạnh của nước, của lửa được tạo ra từ niềm vui vô hạn, sức mạnh của cả dân tộc lần đầu tiên được làm chủ đất nước. Qua các tài liệu khác đã thể hiện ngày hôm đó, tại Hà Nội, các thành phần từ người vệ quốc quân, đội ngũ trí thức, thương gia, văn nghệ sỹ đến người lao động làm thuê, tiểu thư khuê các, các đoàn tôn giáo… Đặc biệt, đông đảo bà con nông dân ở các làng xã lân cận mặc váy cồng, khăn vấn, chít mỏ quạ, răng đen, nét mặt trang nghiêm, hân hoan, hùng dũng tiến về Thủ đô, dự ngày Lễ Độc lập trên Quảng trường Ba Đình.

Trong ca khúc Ba Đình nắng chỉ có một đoạn nói về Bác Hồ khi Người về Thủ đô lãnh đạo cách mạng, lần đầu tiên Người xuất hiện trước công chúng.

“Hoan hô! ta đón Cha về, ta đón Cha về
Đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập
Ha ha! có tiếng người reo sao vàng vừa mọc:
Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công:
"Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?"
Ôi thân thiết, lời Cha già dân tộc,
Bộ kaki đã bạc với gió sương
Người hiện thân sức mạnh của hòa bình…
Nắng Ba Đình đầy tia sáng anh linh,
Còn ghi lại trên cỏ hoa đua nở”.

Ca khúc thể hiện rất thành công sự kính yêu, tin tưởng của nhân dân đối với Bác; bởi suốt cuộc đời đấu tranh của Bác vì Độc lập, thống nhất đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân, với khát vọng của Bác: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Khát vọng của Bác cũng là khát vọng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh để giành lại độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới; nhân cách của Bác đã chiếm được lòng tin của người dân ngay từ buổi đầu tiên. Người dân đã coi Bác là Cha già, là người cứu tinh cho Dân tộc. Điểm hay của ca khúc thể hiện rất thành công phong cách giản dị của Bác. Ngay trong buổi lễ trọng đang khi đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã hỏi những người dự lễ: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?" - Câu nói mộc mạc, gần gũi, thể hiện sự quan tâm của Bác đối với người dân, đã làm xúc động hàng triệu triệu tấm lòng của quân và dân đối với Bác.

Ngay sau đó, đáp lời kêu gọi của Bác nhân dân cả nước đã đứng lên chống cuộc xâm lược của thực dân Pháp, bảo vệ độc lập của dân tộc và đã giành được những thắng lợi vang dội, thể hiện tại những khổ thơ tiếp theo:

“Khoan Bộ, Bình Ca, Đèo Giàng, Đèo Khế
Nghĩa Lộ, Sơn La, sông Lô, Đoan Hùng...
Đồng Hải Kiến còn vang lời huyết thệ
Bình Trị Thiên khói lửa ngút trời cao”.

Kết thúc ca khúc cũng rất có hậu thể hiện sự tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc, tương lai tươi sáng của đất nước.

“Thu ngày mai, Thu thanh bình; Đời đời sẽ hết điêu linh
Thu ngày mai, Thu chiến thắng; Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi”.

Ngay sau ngày lễ Độc lập, nhân dân ta đã đáp lời kêu gọi của Bác vào bảo vệ chế độ, thành quả của Cách mạng sẵn sàng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”; việc đó đã chứng minh người dân đồng lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ dẫn dắt Cách mạng Việt Nam quyết đứng lên bảo vệ Độc lập của Tổ quốc và đã giành được thắng lợi vĩ đại trong công cuộc chống xâm lược, hơn năm sau ngày Độc lập đầu tiên (12.1946) đáp lời kêu gọi của Bác Hồ cả dân tộc đứng nên làm cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và kết thúc thắng lợi bằng trận “Điện Biên chấn động địa cầu”. Và cuộc chiến tranh gian khổ hơn hai mươi năm chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi huy hoàng vào Đại thắng Mùa xuân 1975.

Đoạn kết

Ca khúc Ba Đình nắng có tiết tấu hùng tráng, dễ hát; cảnh đẹp, màu sắc của thiên nhiên hài hòa với tâm trạng con người đúng nghĩa người vui, cảnh đẹp đến trời đất cũng chiều theo lòng người.

Cứ đến mùa Thu tháng Tám, khi đi qua Quảng trường Ba Đình lại nhớ ca khúc Ba Đình nắng lòng người cứ rạo rực, rưng rưng, xúc động như thấy lại được không khí tưng bừng, sục sôi và náo nức của những ngày đầu cách mạng, của ngày lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những ngày tháng hào hùng cả dân tộc và mãi mãi nhớ Bác Hồ kính yêu.

Mở đầu từ ngày 2.9.1945 cho đến ngày nay đất nước ta Độc lập, thống nhất chống lại mọi cuộc xâm lược của các thế lực nhăm nhe xâm lược nước ta, bảo vệ thành quả Cách mạng. Có thể nói đất nước Việt Nam thân yêu được lịch sử giao sứ mệnh thiêng liêng nên chiến tranh chống xâm lược liên miên, kéo dài, không khuất phục bất cứ kẻ xâm lược nào, như có nhạc sỹ đã viết: “Việt Nam, ôi nước Việt yêu thương; Lịch sử đã trao cho Người một sứ mệnh thiêng liêng; Mang trên mình còn lắm vết thương; Người vẫn hiên ngang ra chiến trường; Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập, tự do”.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mặc dù cũng có lúc thăng trầm, nhưng Đảng ta đã chèo lái, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, đất nước hôm nay vẫn Độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; nhất là từ khi đất nước đổi mới thì hàng hóa phục vụ con người được làm ra rất nhiều, rất phong phú. Tháng 3 ngày 8 lúc “giáp hạt” không phải đói, chạy bữa, còn xuất khẩu gạo ra nước khác; các công trình, thành phố hiện đại mọc lên, giao thông đường bộ, đường hàng không phát triển; thuyền ra khơi khi về khoang nặng cá đầy; những đặc sản như Vải thiều, Nhãn lồng, Na dai, Mít mật, Dưa, Dứa… tràn ngập thị trường. Bên cạnh những mặt tích cực thì nhiều mặt tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường cũng xuất hiện, trong đó, vấn nạn tham nhũng là quốc nạn gây nhiều hệ quả xấu, đặc biệt làm thay đổi giá trị đạo lý, tác động đến sự tồn vong của chế độ; việc chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, gian gian nhưng nhân dân tin tưởng và sẵn sàng đi theo Đảng trong cuộc đấu tranh với kẻ thù này và tin tưởng bước đầu vào kết quả xử lý tham nhũng trong thời gian qua để đất nước ta mạnh hơn, đạt mục đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đó cũng là mục đích để bảo vệ thành quả của Cách mạng, được mở đầu từ ngày Quốc khánh đầu tiên của đất nước.

 BA ĐÌNH NẮNG

Nhạc: Bùi Công Kỳ

Thơ: Vũ Hoàng Địch

Gió vút lên! ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới
Gió vút lên! đây bao nguồn sống mới dạt dào
Tôi về đây, lắng nghe vang tiếng gọi
Của mùa Thu cách mạng, mùa vàng sao.
Tôi về đây, trong nắng nhớ Thu nào
Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh.
Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại,
Năm cánh xòe trên năm cửa ô...
Hoan hô! ta đón Cha về, ta đón Cha về
Đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập
Ha ha! có tiếng người reo sao vàng vừa mọc:
Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công:
"Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?"
Ôi thân thiết, lời Cha già dân tộc,
Bộ kaki đã bạc với gió sương
Người hiện thân sức mạnh của hòa bình…
Nắng Ba Đình đầy tia sáng anh linh
còn ghi lại trên cỏ hoa đua nở
Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ
Tiếng Cha già xen lẫn tiếng hoan hô.
Khoan Bộ, Bình Ca, Đèo Giàng, Đèo Khế
Nghĩa Lộ, Sơn La, sông Lô, Đoan Hùng...
Đồng Hải Kiến còn vang lời huyết thệ
Bình Trị Thiên khói lửa ngút trời cao.
Tôi về đây, lắng nghe trong gió mùa thơm ngát
Đoàn thiếu nhi đang tưng bừng ca hát vang trờị
Tôi về đây, lắng nghe trên quảng trường tiếng bước
Anh thương binh trong chiều vàng ca hát trên đường

Nhìn cờ trên kỳ đài phấp phới
Anh thầm tin sắp tới Thu nàọ
Thu ngày mai, Thu thanh bình đời đời sẽ hết điêu linh
Thu ngày mai, Thu chiến thắng
Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.