Tại tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức sáng 17.4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách phát triển nhà ở xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương rất quan tâm.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… sửa đổi với nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Hiện, các bộ, ngành tích cực triển khai văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy phát triển, tháo gỡ các vướng mắc về nhà ở xã hội. Thủ tướng đã ký ban hành đề án về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến năm 2030. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các địa phương cũng đã có sự vào cuộc tích cực để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội.
Hiện, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TP. Hồ chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An …
Đến nay, trên cả nước đang triển khai 499 dự án nhà ở xã hội với quy mô 411.000 căn hộ. Kết quả này cho thấy hiệu quả bước đầu của sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng, trong quá trình triển khai phát triển nhà ở xã hội có một số khó khăn nhất định. Theo đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn trong tiếp cận quỹ đất cũng như tiếp cận nguồn vốn. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chọn chủ đầu tư, phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều tỉnh, thành có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội vì có nhiều khu công nghiệp, nhưng thực hiện các dự án rất thấp...
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành đã tích cực làm việc với các địa phương, hướng tới mục tiêu hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Qua các cuộc làm việc với Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Thái Nguyên… cho thấy, một số địa phương rất tích cực trong phát triển nhà ở xã hội, sẽ hoàn thành chỉ tiêu đặt ra của năm 2024 theo Nghị quyết 01; một số địa phương cần phải tích cực hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.