Chùa Đọi Sơn thuộc thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trải qua gần 1.000 năm với bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn được biết tới là một danh thắng nổi tiếng, Chùa có tên chữ là Diên Linh tự, do vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh (từ năm 1118 - 1121). Qua nhiều thời đại và nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nét cổ kính…
Quần thể di tích chùa Đọi Sơn có kiến trúc khang trang, với khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2, giữa diện tích rừng rộng khoảng 2ha. Theo phong thủy, nơi đây có thế đất phát Vương, quanh núi có 9 giếng tượng trưng cho 9 mắt rồng. Đến bây giờ trong vùng vẫn truyền tụng bốn câu phương ngôn: “Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, Phát tích Đế Vương, Lưu truyền Vạn Đại”. Từ chân núi, qua 373 bậc thang bằng đá xẻ, đá phiến, có bóng cây che mát, du khách sẽ lên chùa Đọi Sơn. Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi.
![]() Chùa Long Đọi Sơn hay còn gọi là chùa Đọi có tên chữ Diên Linh Tự |
Nguồn: Vnexpress.net |
Cùng với chùa Đọi, trên đất Đọi Sơn từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, nhiều di tích lịch sử văn hóa được xây dựng, trong đó có cụm di tích đình, chùa, lăng, miếu thôn Đọi Tam. Ngoài ra còn có làng nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng. Đặc biệt, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987) vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn được một lọ vàng bạc, mở đầu phong tục đẹp để các triều đại sau này noi gương khuyến khích nông tang. Sau nhiều năm thất truyền, Lễ hội Tịch điền đã được tỉnh Hà Nam khôi phục năm 2009. Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra từ ngày mồng 5 - 7 Tết và lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã được đưa vào danh sách Di sản phi vật thể quốc gia. |
Ngay cổng chính trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (theo Quyết định số 2599/Q Đ-TTg ngày 30.12.2013). Bia do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác và sai Thượng thư Bộ hình Nguyễn Công Bật soạn văn bia, viết chữ để khắc là Thượng thư Bộ Công Lý Bảo Cung. Bia được khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước khắc chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao tài trí của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước, phản ánh triết lý duyên khởi của Phật giáo, tình hình Phật giáo thời Lý… Mặt sau bia ghi việc tu sửa chùa vào thời vua thứ 5 nhà Mạc, việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang và khắc bài thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp nhà thơ đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa. Sau nhà bia là tòa Tam bảo, rồi đến chùa chính gồm 6 gian.
Chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý mang đậm giá trị văn hóa truyền thống như: Tượng Di Lặc bằng đồng, 6 pho tượng Kim cương, tượng đầu người mình chim Kinari, nhiều mảng chạm trang trí bằng đất nung, gạch hoa văn thời Lý, đặc biệt là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh… Với những giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, linh thiêng, vừa thanh tao, thơ mộng, chùa Đọi Sơn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/Q Đ-TTg ngày 25.12.2017.
Lễ hội chùa Đọi Sơn ngoài là ngày giỗ vị cao tăng đắc đạo Hòa thượng Thích Chiếu Thường, còn là dịp tưởng niệm những người có công với đất nước, có công xây dựng ngôi chùa như: Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan, mẫu Liễu Hạnh… Đây vừa là nơi thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, vừa là môi trường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ; đồng thời quảng bá các công trình kiến trúc tại di tích lịch sử chùa Đọi Sơn. Hoạt động thu hút nhất của lễ hội là đám rước kiệu từ chân núi lên chùa nhằm tưởng niệm Lý Nhân Tông và bà Ỷ Lan - người có công xây dựng ngôi chùa.
Quần thể di tích - danh thắng chùa Đọi Sơn ngày càng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch to lớn, là biểu tượng của quê hương núi Đọi sông Châu trên bản đồ Hà Nam. Sau khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, năm nay, lễ hội được tổ chức quy mô lớn hơn, do UBND huyện Duy Tiên chủ trì. Theo đó, phần lễ chính sẽ diễn ra vào sáng 21.4 (tức 17.3 âm lịch); tiếp đó là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao (kéo dài đến 25.4).