Đây là chương trình khám và điều trị, phẫu thuật miễn phí dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác lần thứ 7 được tổ chức tại Bệnh viện E.
Đối tượng được khám và tư vấn lần này gồm người bệnh mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi – hàm ếch chưa được phẫu thuật. Trẻ bị khe hở môi phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8kg trở lên; trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 12 tháng tuổi, nặng từ 10 - 12kg trở lên; di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi, khe hở cung răng); người bệnh thừa ngón (tay, chân); người bệnh bị dị tật sụp mí mắt bẩm sinh (không phải bệnh lý nhãn khoa) trên 5 tuổi…
Theo Ban Giám đốc Bệnh viện E, Bệnh viện tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ tham gia phẫu thuật trong chương trình này. Trẻ và gia đình được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ chi phí ăn, ở trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E.
8 giờ sáng ngày 6.5.2024, tại sảnh Khoa Nội Nhi tổng hợp, đã có hơn 80 trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác đến từ Nam Định, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Phòng… được các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc các chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện E: Răng hàm mặt, Gây mê hồi sức, Nội Nhi tổng hợp, Tai mũi họng, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Sức khỏe tâm thần, Phục hồi chức năng… thăm khám và tư vấn phẫu thuật.
Tại bàn khám của ThS.BS Đồng Hà Trung – Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt đã khám và tư vấn cho bé Nguyễn Mai Khánh Duy (13 tuổi, ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) bị dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch rất nặng. Dù trẻ đã được phẫu thuật 7 lần, nhưng lỗ thông vòm miệng vẫn chưa hoàn thiện và răng mọc khấp khểnh, không đúng vị trí, gây đau đớn cho trẻ.
Bà cháu Khánh Duy cho biết, do bố mẹ đã li hôn nên hiện tại đang được bà ngoại nuôi và bà là người đồng hành với bé trong 7 lần thực hiện phẫu thuật. Ca mổ gần đây nhất là năm 2018, bác sĩ hẹn 1 năm sau khám lại nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vẫn lần lữa chưa đưa cháu đi được.
Hiện tại bà đang đi làm giúp việc ở Hà Nội, với mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Mẹ bé sau khi lập gia đình lần 2 lại tiếp tục sinh bé cũng bị dị tật. Hiện, gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào những đồng lương ít ỏi của bà ngoại… Lần này, bà ngoại lại cùng 2 cháu bị mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi – hàm ếch lên khám tại Bệnh viện E với hy vọng tìm lại nụ cười cho trẻ.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung - Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện E, giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Miệng Hàm Mặt - Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội khám và tư vấn phẫu thuật cho bé Thào A Nga (8 tuổi, dân tộc Mông, ở Tủa Chử, Pùng Luông, Mù Căng Chải, Yên Bái) cũng bị mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi – hàm ếch phức tạp. Xác định tình trạng bệnh của bé là trường hợp khó, đã được phẫu thuật 3 lần nhưng khe hở vòm miệng vẫn rất rộng, BS Nhung đã tiến hành hội chẩn với ThS.BS Đồng Hà Trung và ThS.BS Dương Quang Chiến – Gây mê hồi sức tích cực, Bệnh viện E lên kế hoạch phẫu thuật cho bé bằng cách tạo hình đóng lỗ thông mũi miệng bằng vạt rãnh mũi má…
Bé Nga được ông nội Thào Chờ Tủa đã “khăn gói” lên Bệnh viện E để thắp lên hy vọng tìm kiếm nụ cười tròn đầy cho con trẻ. Ông Tủa chia sẻ, trong suốt quá trình mang thai người mẹ không đi khám thai lần nào nên không biết con bị dị tật bẩm sinh. Đến khi con chào đời, với nhiều dị tật bẩm sinh, nhiều người khuyên bỏ con nhưng người ông vẫn quyết tâm giữ và nuôi cháu… Do dị tật bẩm sinh khe hở môi – hàm ếch phức tạp nên cháu không bú sữa mẹ, ăn cháo sặc, người ông “như chim mẹ bú mớm” từng giọt sữa ngoài nuôi cháu lớn khôn. Để tạo hình khe hở vòm miệng cho con, cả gia đình xác định theo con hành trình dài với việc phuẫu thuật, chỉnh hàm, ngữ âm…
Không chỉ có trẻ em mắc dị tật bẩm sinh được khám, lần này có một trường hợp rất đặc biệt, anh Vi Văn Tản (nam, 43 tuổi, ở Đà Bắc - Hòa Bình) bị dị tật hở hàm ếch từ khi sinh ra, nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên chưa từng được phẫu thuật.
Gương mặt đen đúa, già hơn tuổi, anh Tản khi đến Bệnh viện E, luôn đeo khẩu trang để che đi môi trên biến dạng và khuôn miệng hở hàm ếch khá lớn. Dị tật khiến chiếc răng cửa của anh Tản thò hẳn ra ngoài, trong khi phần lớn chỗ khe hở lại bị khuyết răng.
Nhờ chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí của Bệnh viện E phối hợp với Tổ chức Operation Smile, anh mong muốn được tạo hình phẫu thuật khe hở môi nhằm thoát khỏi những khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mang lại sự tự tin cho mình...
Đây chỉ là ba trong rất nhiều trường hợp người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng có hoàn cảnh khó khăn được các bác sĩ ở Bệnh viện E khám sàng lọc và phẫu thuật diễn ra từ ngày 6.5.2024.
Theo dự kiến, sẽ có khoảng hơn 60 người bệnh được phẫu thuật trong 2-3 tuần tới. Hiện, Bệnh viện E là cơ sở y tế tuyến cuối thực hiện được các kỹ thuật khó và chuyên sâu cùng với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại với hệ thống phòng mổ, máy gây mê, hồi sức, chăm sóc hậu phẫu… sẽ đáp ứng và bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho các trẻ em không may mắc các dị tật về hàm mặt có cơ hội được phẫu thuật, trả lại nụ cười, đem đến một tương lai rộng mở, hoà nhập cộng đồng cho các em.