Đã tổ chức xét xử trực tuyến được 3.614 vụ án
Thảo luận về các báo cáo công tác tư pháp và công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2022 và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, năm 2022, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19; các thế lực phản động trong và ngoài nước không ngừng tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực triển khai kịp thời của các bộ, ngành, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt kết quả nhất định. Nhìn chung, các cơ quan tiến hành tố tụng cơ bản thực hiện tốt việc phối hợp giải quyết các vụ việc từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của ngành, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Cùng với những kết quả chung, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điều này thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử trong bối cảnh dịch bệnh. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã khẩn trương chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các văn bản và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện việc xét xử trực tuyến.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, chưa bố trí được kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến, nhưng theo báo cáo đến hết ngày 30.9.2022, toàn hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được 3.614 vụ án. “Đây là con số ấn tượng, qua đó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà nòng cốt là các tòa án, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.
Bày tỏ sự đồng tình, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nêu rõ, việc triển khai phiên tòa trực tuyến đã đánh dấu bước đột phá về cải cách tư pháp của hệ thống tòa án. Cơ quan có thẩm quyền đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, các tòa án cũng đã tích cực triển khai thực hiện các phiên tòa trực tuyến.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các phiên tòa trực tuyến
Tuy nhiên, theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu thực tế, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, cán bộ, công chức của tòa án phải tận dụng những thiết bị sẵn có tại cơ quan, kể cả của cá nhân để phục vụ việc xét xử trực tuyến, chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật Tòa án Nhân dân tối cao yêu cầu tại Quyết định số 50 hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của Tòa án nhân dân các cấp. Tại một số điểm cầu cấp huyện đôi lúc vẫn bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, chi phí thuê thiết bị, đường truyền để xét xử trực tuyến hàng tháng khá cao, dẫn đến tăng áp lực về kinh phí cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, trong số 3.614 vụ án được xét xử trực tuyến, số vụ án hình sự chiếm tới 82,7%. Các vụ án hành chính dân sự chưa được tổ chức xét xử trực tuyến, do các phiên tòa này thường phức tạp, nhưng cũng có những nguyên nhân do một số quy định pháp luật về xét xử trực tuyến chưa có hoặc chưa đầy đủ, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai, như chưa có quy chế phối hợp với cơ sở giam giữ; chưa có quy định thủ tục tiếp nhận, bàn giao tài liệu, chứng cứ; chưa có quy định về trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình có âm thanh, bảo quản dữ liệu điện tử, giao nhận, bàn giao bị cáo tại phiên tòa.
Để bảo đảm công tác triển khai phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả, các đại biểu đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt là những khó khăn, bất cập để có giải pháp thực hiện đồng bộ.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động này. Đồng thời, đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an sớm đề xuất, có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để các tồn tại nêu trên, nhằm bảo đảm việc thực thi Nghị quyết 33 của Quốc hội hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao quan tâm, phát huy hiệu quả "Tòa án điện tử", "Trợ lý tòa án ảo", khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của Tòa án Nhân dân tối cao, tập trung đầu tư cơ sở vật chất thiết bị xét xử trực tuyến bảo đảm đồng bộ công nghệ, đường truyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.