Kinh tế Thủ đô có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận
Theo báo cáo đánh giá của Đoàn giám sát, các sở thuộc khối kinh tế (bao gồm các Sở Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Thông tin - truyền thông, Du lịch, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn) của thành phố đã triển khai thực hiện các chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Theo đó, kinh tế Thủ đô phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19, GRDP năm 2023 tăng 6,27% và bình quân 2021-2023 tăng 6,04% (6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%). Tuy đạt thấp so với kế hoạch 5 năm (7,5 - 8,0%) nhưng cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước; bình quân 2021 - 2025 dự kiến GRDP tăng khoảng 6,3% - thấp hơn chỉ tiêu đề ra và thấp hơn giai đoạn 2016 - 2020.
Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. So với năm 2021, tỷ trọng dịch vụ tăng 1 điểm phần trăm và xây dựng tăng 0,31 điểm phần trăm; tỷ trọng công nghiệp giảm 0,34 điểm phần trăm, nông nghiệp giảm 0,27 điểm phần trăm; thuế sản phẩm giảm 0,7 điểm phần trăm.
Về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% (năm 2021 là 96,3%); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 45% (mục tiêu cuối năm 2025 là 40%); tỷ lệ xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đạt 17% (mục tiêu cuối năm 2025 là 20%); tỷ lệ huyện đạt nông thôn mới đạt 83,3% (năm 2021 là 72,2%; mục tiêu năm 2025 là hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố).
Đối với một số nội dung cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành bảo đảm tiến độ đối với 7 nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của UBND thành phố theo Chương trình hành động số 277/CTr-UBND của UBND thành phố.
Sở Công Thương đã quan tâm giải quyết tồn tại và đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, thực hiện các chương trình khuyến công quốc gia, phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ với các khu trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố. Sở Thông tin - Truyền thông đã triển khai mạnh mẽ các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố. Xếp hạng về chuyển đổi số của thành phố tăng đột phá trong những năm gần đây (tăng 19 bậc từ năm 2020 đến 2022, đứng thứ hai trong 7 năm liên tiếp về chỉ số thương mại điện tử, đứng thứ nhất về chỉ số quản trị điện tử năm 2023).
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch đã có nhiều đổi mới và hiệu quả hơn. Hà Nội đang từng bước trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn đối với du khách; ngày càng trở nên quen thuộc trên các trang thông tin, các tạp chí trong và ngoài nước. Ngành Nông nghiệp thành phố đã tập trung thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng nông thôn mới của thành phố đạt nhiều kết quả khả quan, về đích sớm hơn dự kiến.
Khắc phục tồn tại để đạt mục tiêu của nhiệm kỳ
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả của các sở đạt được trong bối cảnh phải ứng phó với đại dịch, tình hình thiên tai..., đồng thời, đề nghị các sở theo chuyên ngành làm rõ một số nội dung: Giải pháp nâng cao hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao; quan tâm phát triển sản phẩm OCOP đặc thù cho toàn thành phố; phát triển công nghiệp theo hướng khu công nghiệp lớn, tránh manh mún; quan tâm tới các khu du lịch, khách sạn lớn để phục vụ khách du lịch lưu trú...
Phát biểu làm rõ thêm những nội dung thành viên đoàn giám sát nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội của Hà Nội vẫn duy trì được các chỉ tiêu, điều đó cho thấy sự nỗ lực vào cuộc của Thành ủy, HĐND, UBND và người dân Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục triển khai chỉ tiêu phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quy mô tương xứng, bảo đảm đúng quy hoạch; đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô...
Phát biểu đánh giá tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhận định, việc triển khai các chỉ tiêu của 5 sở, ngành bảo đảm kịp thời về thời gian sau khi Nghị quyết được ban hành; các chỉ tiêu giao cho các đơn vị cơ bản phù hợp. "Hiện vẫn còn hơn 1 năm thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nên các đơn vị cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thành, trong đó quan tâm khắc phục một số tồn tại để đạt mục tiêu vào cuối nhiệm kỳ", Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên lưu ý.
Thống nhất cao với quan điểm cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp của Hà Nội trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Phạm Quí Tiên cho rằng, Hà Nội cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng hướng hữu cơ, sinh thái, tập trung vào lĩnh vực cung cấp giống để đạt giá trị kinh tế cao cho toàn quốc. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư phát triển khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.
"Hiện Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP phát triển mạnh, vì thế cần kiểm đếm, đánh giá hiệu quả, giá trị thương mại đem lại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để nhiệm kỳ tiếp theo, Hà Nội có chương trình phát triển hiệu quả hoạt động của làng nghề kèm theo cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện", Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực du lịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, Sở Du lịch tiếp tục thực hiện chương trình phát triển ngành, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; tăng cường hạ tầng du lịch, đầu tư các khách sạn chất lượng cao... Đối với lĩnh vực Công Thương, tiếp tục triển khai đề án phát triển thương mại điện tử; rà soát bổ sung sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố để có chính sách ưu tiên, tập trung cho sản xuất chip điện tử; quan tâm đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao...