Mô hình “Nhà nước kiến tạo nguyên thủy” vì dân
Lịch sử Việt Nam thời Hùng Vương chứng minh nhà nước Văn Lang ra đời là một tất yếu sinh tồn của các bộ lạc cần liên kết lại để mạnh hơn lên mà chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và bảo vệ mình trước nguy cơ bị thôn tính từ các bộ lạc bên ngoài. Người mạnh mẽ, tài giỏi, có uy tín trong cộng đồng được muôn dân suy tôn làm thủ lĩnh. Theo sách cổ Hậu Hán thư, người Việt cổ gọi người thủ lĩnh ấy là Hùng Vương, con cháu thuộc dòng dõi Hùng Vương, con trai gọi là lang, con gái thì gọi là mỵ nương. Có thể thấy, nhà nước đầu tiên của nước ta ra đời không phải xuất phát từ đấu tranh giai cấp mà xuất phát từ việc bảo vệ lãnh thổ sinh tồn và phục vụ lợi ích của cả cộng đồng. Sau khi lựa chọn ra thủ lĩnh (các vua Hùng), quyền lực công được các thủ lĩnh áp dụng được thực thi để nhằm một mục đích duy nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản, lợi ích của liên minh bộ lạc.

Nhà nước dân chủ sẽ nhận được sự tôn sùng của người dân. Trong các truyền thuyết truyền tụng cho đến ngày nay, có thể thấy hình ảnh các vua Hùng luôn được nhân dân kính trọng, tin tưởng, yêu mến. Thật không khó để nhận ra hình ảnh giản dị, đời thường, liên hệ chặt chẽ với nhân dân của các vua Hùng trong truyền thuyết cũng như ca dao, dân ca, thơ văn. Các vua Hùng chan hòa với dân làng, dạy dân làm ăn, các trò chơi dân gian. Các mỵ nương, quan lang dạy dân nuôi tằm, dệt lụa, săn thú, gieo trồng cây trái. Họ là những tấm gương tiêu biểu về sáng tạo văn hóa. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao dấu tích thời vua Hùng được huyền thoại hóa thành truyền thuyết, truyện cổ xưa. Đó là câu chuyện về chàng Sơn Tinh, Thủy Tinh, là sự tích bánh chưng, bánh giày liên quan đến chàng hoàng tử Lang Liêu, sự tích dưa hấu gắn với chàng Mai An Tiêm, chuyện vua dạy dân trồng lúa, hái dâu, đánh giặc, xây thành… Những huyền tích đó được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tái hiện một cách tự nhiên, đầy đủ trong bài thơ về xóm núi Thậm Thình.
“Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này...
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giày mấy đôi
Đẹp lòng, vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”
Từ quản lý nhà nước đến việc định hướng cho người dân sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, thanh bình, hạnh phúc, nhà nước Văn Lang thực sự xứng đáng là kiểu nhà nước kiến tạo nguyên thủy vì dân. Các vua Hùng xứng đáng là người đại diện ưu tú nhất mà muôn dân trao gửi niềm tin và sự kỳ vọng. Có lẽ vì thế mà bao đời nay, người Việt Nam luôn tự hào khi được mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Ngày 10.3 âm lịch hàng năm trở thành Ngày Quốc giỗ để muôn dân cùng nhau thành kính dâng nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Đúng như câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại đền Giếng (thuộc Khu Di tích lịch sử đền Hùng, Phú Thọ): “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ghi nhớ công lao của các vua Hùng, từ các triều đại độc lập Khúc, Đinh, Lê, Lý, Trần đã kế thừa, phát huy truyền thống coi dân là gốc, để lại những trang sử hào hùng cho dân tộc. Truyền thống quý báu ấy đã và đang được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay - kỷ nguyên phát triển trong độc lập, tự do của đất nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Chính quyền được kiến tạo theo phương châm: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Dân là chủ. Cán bộ trên mọi cương vị quyền lực được dân giao phó, là công bộc của dân, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Lượng tài, đức mà trao quyền
Khái niệm về nhà nước kiến tạo lần đầu tiên được người đứng đầu Chính phủ nước ta nhắc đến vào năm 2014. Từ đó đến nay, việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp” là một định hướng của Chính phủ đã, đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Đó cũng là xu thế phù hợp với việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong nhà nước kiến tạo hiện đại và mô hình nhà nước thời vua Hùng (kiến tạo nguyên thủy), chúng ta có thể bắt gặp các điểm chung. Trong đó, điểm đầu tiên có thể thấy là việc lựa chọn, thu hút người tài dựa trên các tiêu chuẩn lành mạnh, trong đó lấy đạo đức, uy tín làm trọng. Tiếp đó, là tạo ra được hệ thống chính sách công để khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các nguồn lực khác của xã hội vào mục tiêu phát triển chung, vì quốc gia, dân tộc. Thứ ba là cung cấp các dịch vụ cũng như tạo điều kiện để mọi người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nhìn vào các đặc điểm đó, chúng ta có thể thấy rất rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử trong đó. Vậy làm sao để phát huy, kế thừa những bài học quý giá từ nhà nước đầu tiên do các vua Hùng đã có công xây dựng?
Trước hết là bài học về sự lựa chọn người đại diện của dân, đó chính là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cũng giống như lựa chọn thủ lĩnh thời vua Hùng, chọn người mạnh mẽ, tài giỏi, có uy tín trong cộng đồng. Người đó phải làm được điều mà muôn dân kỳ vọng, cùng với tập thể cơ quan đại diện cho dân “bảo vệ lãnh thổ sinh tồn và phục vụ lợi ích của cả cộng đồng”. Để chọn được những người như vậy, người dân, cử tri đóng vai trò quyết định, việc lựa chọn đại biểu cũng không nên nặng về cơ cấu mà hãy “lượng tài, đức mà trao quyền”.
Đó là bài học về ban hành các quyết sách, cần thâm nhập thực tiễn, chặt chẽ quy trình, nhất là lấy được ý kiến của người dân để các quyết sách đó góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có điểm tựa, đòn bẩy mà phát triển. Rà soát, loại bỏ các quyết sách không phù hợp, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với sự phát triển bền vững.
Đó là quyết định, đôn đốc để cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện, để bảo đảm tôn chỉ mục tiêu của nhà nước kiến tạo phát triển là “liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Sinh thời, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng khẳng định: chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Thế nước dựa vào sức dân xuất phát từ thời đại của các vua Hùng. Chỉ khi dân an thì nước mới mạnh, mới bền. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn mãi mãi trong lòng bao thế hệ con cháu Lạc Hồng về một mô hình nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhà nước kiến tạo nguyên thủy, bình yên, hạnh phúc trong tiếng “Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”.