Lỗi trước tiên ở người lớn
- Gần đây, có nhiều trường hợp bạo hành trong trường học khiến dư luận hoang mang. Theo ông, do đâu môi trường học đường trở nên bất an như hiện nay?
Lứa tuổi học trò, tâm sinh lý có nhiều thay đổi dẫn đến xô xát với nhau, thời nào cũng có. Nhưng hiện nay bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến môi trường giáo dục ngày càng xấu đi, dư luận xã hội hoang mang. Nhìn nhận vấn đề này như thế nào cho đúng là mối quan tâm của nhiều người. |
- Thực tế xô xát giữa học trò với nhau thì thời nào cũng có. Trước kia, học sinh chỉ đụng tay đụng chân, ai đó vào can là xong. Nhưng hiện nay, bạo lực học đường nhiều khi gây ra hậu quả nghiêm trọng, có trường hợp khiến học sinh tự tử, dư luận hoang mang. Thực tế nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường không phải chỉ do ngành giáo dục mà còn do yếu tố gia đình, xã hội.
Trước hết, xã hội chúng ta đang bất ổn, người lớn đánh nhau, ra đường va quệt cũng xảy ra bạo lực, hội hè cũng xảy ra xô xát, các vụ án cướp giết... ảnh hưởng đến học sinh. Do đó nguyên nhân đầu tiên, lỗi đầu tiên là do người lớn. Thứ hai là do muốn dằn mặt nên học sinh thường quay clip để đưa lên mạng xã hội nhằm làm xấu đối phương. Thứ ba là do giáo dục hiện nay chưa tạo ra hiệu quả.
- Cụ thể, giáo dục chưa hiệu quả ở đây là gì, thưa ông?
- Ở đây cần phải xét cả 2 khía cạnh là giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Giáo dục gia đình thực sự đang bị buông lỏng. Giáo dục gia đình yếu khiến các cháu không được chia sẻ, uốn nắn từ đầu. Những đức tính tốt đẹp phải được hình thành từ thói quen, nền nếp gia đình. Đồng thời, khi con trẻ bức xúc điều gì đó thì phải có người lắng nghe, giải thích và định hướng. Bố mẹ Việt thường quát tháo, mắng chửi chứ chưa thực sự biết cách trò chuyện cùng con.
Về giáo dục trong nhà trường, hiện nay giáo dục đạo đức đã có nhưng đang nhấn mạnh học sinh phải làm cái này hoặc không được làm cái kia. Tuy nhiên, giáo dục có một quy luật khác, tức là làm sao cho học sinh tự rút ra bài học cho bản thân, học qua thực nghiệm mới khiến các em thức tỉnh.
![]() |
Thầy - trò tôn trọng lẫn nhau
- Dưới sự quản lý của ông cũng như dạy dỗ của các thầy cô giáo tại trường Đinh Tiên Hoàng, nhiều thế hệ học trò cá biệt đã nên người. Ông có thể chia sẻ phương pháp giáo dục hiệu quả với đối tượng học sinh đặc biệt này?
“Cần giáo dục con trẻ trong một tập thể bao dung chứ không phải càng học sinh hư, cá tính càng bị cô lập. Để làm được điều đó, nhà sư phạm phải là người gieo mầm và đặt những nấc thang để học sinh tiến bộ”. Ts. Nguyễn Tùng Lâm |
- Trường Đinh Tiên Hoàng là trường đầu tiên đưa giá trị sống vào giảng dạy, dạy chính khóa chứ không phải dạy thêm hoặc mời người đến dạy. Một tháng có 4 tiết sinh hoạt thì chỉ dành 1 tiết sinh hoạt trường, 2 tiết dạy giá trị sống và 1 tiết còn lại để sinh hoạt tập thể. Chúng tôi dạy theo trải nghiệm chứ không chỉ lý thuyết.
Trong 2 tiết dạy về giá trị sống, học sinh được học về lòng khoan dung, sự tôn trọng và tình yêu thương... Khi có những giá trị đó, các em sẽ tự hình thành phẩm chất khoan dung với sự việc không hoàn hảo, yêu thương bạn thì sẽ không làm đau bạn; tôn trọng pháp luật, tôn trọng bản thân. Đồng thời khi có kỹ năng thuyết phục và trình bày vấn đề sẽ giúp các em tự tìm ra cách hành xử, khiến đối phương tôn trọng mình.
Ngoài ra, ở trường Đinh Tiên Hoàng, giáo viên chủ nhiệm không chỉ quản lý học sinh, phê học bạ hoặc chỉ xuất hiện vào tiết sinh hoạt, mà phải theo sát học trò, đưa ra được những giải pháp giáo dục phù hợp với cá tính của từng em. Bởi mỗi một em có một cá tính, ứng xử phải hết sức mềm dẻo, không thể để thầy đánh trò, trò đánh thầy.
- Nói về mối quan hệ thầy và trò, gần đây xuất hiện nhiều clip thầy đánh trò, trò xô xát với thầy, khiến dư luận bất bình. Theo ông tại sao và làm thế nào để hạn chế tình trạng không hay này?
- Chúng tôi luôn nhấn mạnh, thầy trò phải tìm cách để tôn trọng lẫn nhau. Tôi luôn nhắc nhở giáo viên phải nhớ các nguyên tắc sau: Thứ nhất, tôn trọng năng lực và cá tính của từng học sinh, không thể bắt tất cả các em đều phải học giỏi. Thứ hai, chúng ta phải chấp nhận cả những điểm yếu của học sinh. Thứ ba, đánh giá khách quan năng lực học sinh, chứ không được nghĩ em nào dốt là dốt mãi, hư thì hư suốt. Thứ tư, nếu các em có lỗi thì áp dụng hình phạt thích đáng nhưng phải nhân văn.
Hiện nay cái sai lớn nhất của giáo dục là coi thường giáo dục giáo viên, đòi hỏi giáo viên quá nhiều nhưng chưa thực sự có cơ chế, điều kiện cho giáo viên hoàn thiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu các trường công chỉ trả giáo viên chủ nhiệm vài trăm nghìn đồng/tháng, thì ở đây tôi trả giáo viên chủ nhiệm tiền trách nhiệm 2,5 triệu đồng. Như vậy đi cùng quyền lợi thì trách nhiệm của các thầy cô cũng lớn hơn. Giáo dục là một nghệ thuật và cũng thể hiện năng lực, không phải ai tự nhiên sinh ra đều có thể làm giáo dục.
- Xin cảm ơn ông!