Kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng và Ngày Biên phòng toàn dân (3.3)

Anh hùng Trần Văn Thọ - niềm tự hào của bộ đội biên phòng

Ai lên công tác vùng ngã ba biên giới A Pa Chải cũng dừng lại Đồn biên phòng Leng Su Sìn thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Trần Văn Thọ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của bộ đội biên phòng, tấm gương tiêu biểu hy sinh cả thanh xuân đem lại cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, nhất là đồng bào Hà Nhì tại Điện Biên.

“Đi báo cáo, về báo công”

Theo chương trình công tác, buổi chiều Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên mới đến thăm và chúc Tết Đồn biên phòng Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé), song buổi sáng khi đi qua đây để lên A Pa Chải, Đoàn vẫn dành thời gian vào dâng hương tại Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ ở chếch đối diện Đồn biên phòng Leng Su Sìn, như một cách “báo cáo”. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến giới thiệu ngắn gọn: “Đây là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của bộ đội biên phòng, là người rất có công với đồng bào các dân tộc Điện Biên. Buổi chiều, các anh ở Đồn biên phòng Leng Su Sìn sẽ thông tin kỹ hơn”.

Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ với đồng bào Hà Nhì Ảnh: Nhật Linh
Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ với đồng bào Hà Nhì

Ảnh: Nhật Linh

Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ với đồng bào Hà Nhì khởi công năm 2014, khánh thành năm 2016, trên tổng diện tích 1.200m2. Tượng đài là khối bê tông đá đúc cao 6,5m, nặng 36 tấn, gồm chân dung liệt sĩ Trần Văn Thọ và 3 nhân vật đại diện cho dân tộc Hà Nhì. Ngoài ra còn có bức phù điêu khắc họa hoạt động công tác, chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân các dân tộc; nhà tưởng niệm và các công trình phụ trợ (xây dựng và khánh thành năm 2020).

Tượng đài được xây dựng theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh và nhân dân các dân tộc ở Leng Su Sìn, có sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đây là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống anh hùng của lực lượng bộ đội biên phòng nói chung và bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên nói riêng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Được biết, tại Đồn biên phòng Leng Su Sìn, từ lâu, trong hội trường đơn vị, dưới ảnh Bác Hồ, phía bên phải đặt bức tượng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ. Đã thành truyền thống, trước khi đi công tác, anh em đơn vị đều đến đây thắp hương và khi về cũng vậy, để “đi báo cáo, về báo công” với Bác và với anh. Giờ đây, Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ và khu tưởng niệm liệt sĩ cũng là một điểm dừng chân trên hành trình đến cực Tây A Pa Chải.

Đại diện ưu tú của bộ đội biên phòng

Và như đã hẹn, khi chúng tôi trở lại Đồn biên phòng Leng Su Sìn vào đầu giờ chiều, Trung tá, Đồn trưởng Phan Ngọc Toản chuẩn bị sẵn nhiều tài liệu để giới thiệu với Đoàn về Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ - đại diện ưu tú, niềm tự hào của bộ đội biên phòng nói chung, bộ đội biên phòng Điện Biên nói riêng.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ (1935 - 1961) sinh tại Phú Thọ, sau theo gia đình chuyển lên Yên Bái sinh sống; 15 tuổi vào du kích, đến năm 1952 thì nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Pháp, đơn vị của Trần Văn Thọ chuyên hoạt động ở vùng rẻo cao các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. “Hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng đồng chí Trần Văn Thọ luôn vững vàng, chiến đấu mưu trí, sáng tạo, lập công xuất sắc. Như trong trận chiến đấu ở Pờ Xì Ngài tháng 5.1953, anh dẫn đầu tiểu đội xung phong lên tiêu diệt địch, lấy được một khẩu tiểu liên. Hay trận Dào San tháng 5.1954, anh bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng, tiêu diệt 2 tên, bắn bị thương 3 tên, được Trung đoàn tặng Bằng khen” - Trung tá, Đồn trưởng Phan Ngọc Toản thông tin.

Nhưng câu chuyện về những ngày Trần Văn Thọ cùng đồng đội diệt phỉ, ổn định đời sống, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào bộ đội Cụ Hồ được lưu truyền nhiều hơn. Theo lời Trung tá, Đồn trưởng Phan Ngọc Toản, năm 1954 - 1958, trình độ giác ngộ của người dân vùng cao và biên giới còn thấp, nạn mê tín dị đoan nặng nề, các cơ sở cách mạng còn non yếu, lại thường bị kẻ địch lợi dụng, nên đồng bào không hiểu bộ đội, thấy bộ đội là lảng tránh. Và chính trong thời gian ấy, một người Kinh đã tìm cách hòa nhập với người Hà Nhì vốn chỉ biết tộc người mình; kiên trì, chịu đựng gian khổ để gần dân, học tiếng dân tộc, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để vận động đồng bào tin tưởng đi theo cách mạng, giúp đỡ bộ đội.

Qua một thời gian, từ chỗ phải mắc võng ngoài rừng ngủ, anh Thọ đã được đồng bào cho vào bản cắt tóc cho trẻ con, giặt quần áo hộ người già, mang muối gạo tặng gia đình khó khăn, và cuối cùng được coi như người của bản. Từ sự tuyên truyền, vận động của anh, nhiều người theo phỉ đã trở về gia đình, làm ăn lương thiện.

Cũng chính Trần Văn Thọ vận động dân xuống thấp định cư theo từng bản, mang từng hạt giống, lưỡi cày, dạy người Hà Nhì trồng lúa nước, giúp xây dựng đời sống mới cho đồng bào; tự bỏ tiền mua giấy bút, vận động anh em trong Đồn ủng hộ thêm để giúp cán bộ, Nhân dân xóa mù chữ, học văn hóa. Người Hà Nhì ở Mường Nhé coi Trần Văn Thọ như Thành hoàng. Họ lập miếu thờ, đặt tên sông suối, dốc đèo, ruộng nương theo tên anh...

Do làm việc quá sức trên địa bàn khó khăn, Trần Văn Thọ vĩnh viễn ra đi vào tháng 8.1961 khi mới 26 tuổi. Mộ anh được đặt trên đỉnh núi Leng Su Sìn, địa điểm mà người Hà Nhì gọi là “Hòn ngọc giữa miệng Rồng”. Trung tá, Đồn trưởng Phan Ngọc Toản kể, ngày chôn cất anh, bà con bày tỏ lòng thành bằng cách mỗi người bê một hòn đá từ suối Păng Pơi cách đó gần 2km về xếp quanh mộ anh và tự dựng bia để tưởng nhớ người đồng chí, người con yêu quý của dân bản. Năm 1967, Trần Văn Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.