An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn và mức độ nghiêm trọng khiến 657 người phải nhập viện cấp cứu, điều trị, 1 người tử vong. Điều này khiến cử tri lo lắng và đặt ra nghi vấn về công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Cử tri lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm với mức độ nghiêm trọng

An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn và mức độ nghiêm trọng khiến 657 người phải nhập viện cấp cứu, điều trị, 1 người tử vong. Ảnh: Văn Dũng

Ngày 17.7, Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X bước vào ngày làm việc thứ 2 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu đã nêu ý kiến, quan tâm của cử tri trên toàn tỉnh về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Đặc biệt vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn và mức độ nghiêm trọng; điển hình như vụ ngộ độc bánh mì tại TP. Long Khánh khiến hơn 500 người nhập viện, vụ 94 công nhân ở huyện Trảng Bom bị ngộ độc sau khi ăn mì quảng.

Xác định ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm sức khoẻ cho Nhân dân, cử tri đặt ra nghi vấn phải chăng do trong công tác quản lý mức xử phạt chưa nghiêm đối với các vi phạm trong kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh trên địa bàn hay công tác kiểm tra chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, vì thế cử tri đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành cho biết giải pháp?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP. Biên Hoà, TP. Long Khánh và huyện Trảng Bom làm 657 người nhập viện cấp cứu, điều trị, đã có 1 người tử vong. Trong đó, vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng người bị ngộ độc lớn nhất liên quan đến tiệm bánh mì Băng ở TP. Long Khánh khiến 547 người phải nhập viện cấp cứu, điều trị và 1 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật trong quá trình chế biến. UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ.

An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề ATTP tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Văn Dũng

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra công tác ATTP đối với 6.693 cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó chỉ có 1.480 cơ sở đạt tiêu chuẩn (22,11%), xử phạt 424 cơ sở với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng, buộc tiêu huỷ hàng nghìn tấn thực phẩm như thịt heo, thịt bò, thịt vịt và nội tạng động vật.

Qua thống kê theo dõi tình hình kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện nay chủ yếu do các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh thực hiện. Việc kiểm tra, công tác bảo đảm ATTP tại cấp huyện, thành phố và xã/phường còn hạn chế, chưa triệt để, xử lý vi phạm còn tình trạng nể nang, chưa bảo đảm thực hiện nghiêm theo quy định.

Về nguyên nhân, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp có nhiều bếp ăn tập thể, cũng là địa phương phát triển về chăn nuôi nên việc kiểm soát ATTP ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, còn tình trạng giết mổ không phép chưa được kiểm soát triệt để; nhóm cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố tại các địa phương chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó ý thức tuân thủ pháp luật của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp chế biến thực phẩm của nhóm đối tượng này chưa cao.

Bên cạnh đó, thời tiết đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nắng nóng kéo dài, gần đây lại mưa lớn là môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển, trong khi điều kiện ATTP tại cơ sở chưa bảo đảm...

Một số quy định của Luật ATTP và các luật liên quan chưa thống nhất đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai, thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể cần phải thực hiện rà soát, xử lý chồng chéo theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ; việc kiểm tra ATTP cần báo trước cho doanh nghiệp nên việc tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm để xử lý còn hạn chế khi doanh nghiệp tìm cách đối phó theo đợt kiểm tra.

An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai
Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai bước bào ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn. Ảnh: Văn Dũng.

Về nguyên nhân chủ quan, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào tại một số bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt, giá trị suất ăn còn thấp hơn so với giá của thị trường.

Vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có ngộ độc xảy ra gặp nhiều khó khăn. Đa số các vụ ngộ độc thực phẩm là do ngành Y tế chủ trì, phối hợp tiến hành điều tra, xác minh và xử lý nhưng các thực phẩm gây ngộ độc đa số là do ngành Công thương và Nông nghiệp quản lý, mỗi ngành lại có các quy định riêng nên việc truy xuất gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, công tác thanh tra, kiểm tra, chưa thường xuyên, chỉ tập trung vào các đợt cao điểm về ATTP, một số địa phương chưa xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên hiệu quả mang lại chưa cao...

Đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt về công tác bảo đảm ATTP

An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai trả lời chất vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Văn Dũng

Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có những kiến nghị các bộ ngành trung ương giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu Chính phủ trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật ATTP 2010 cần quan tâm đến xu hướng hội nhập và yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước về ATTP hiện nay, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, ATTP theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ trung ương đến địa phương. 

Kiến nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương rà soát, kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chi Cục trưởng Chi cục ATTP và các chức danh khác theo quy định.

An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng phiên chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai
Đại diện Cục Quản lý thị trường Đồng Nai trả lời chất vấn. Ảnh: Văn Dũng

Về giải pháp về những khó khăn thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai giao các sở, ngành có liên quan rà soát lại nội dung các quy định quản lý nhà nước về ATTP.

Đặc biệt vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10.7.2024 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho rằng, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về vấn đề này, đây là tín hiệu tốt thể hiện sự quan tâm của  UBND tỉnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở chỉ thị thì chưa đủ; UBND tỉnh cần tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này để đánh giá đúng thực trạng, rõ giải pháp và có kế hoạch tổng thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong vấn đề này, đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong từng nhiệm vụ.

Chuyển động

Hà Nội khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ
Chuyển động

Hà Nội khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ

Tại Kỳ họp thứ 19, diễn ra sáng 19.11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công
Chuyển động

Hà Nội nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công

Sáng 19.11, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Đoàn giám sát khảo sát khu vực nhà ăn của Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 1
Chuyển động

Sớm thẩm định định mức, đơn giá dịch vụ cho cơ sở cai nghiện ma túy

Gửi kiến nghị đến Đoàn giám sát HĐND tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh mong muốn, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành chức năng sớm thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ sở cai nghiện ma túy. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp 2 cơ sở cai nghiện ma túy để bảo đảm điều kiện quản lý và tổ chức điều trị, cai nghiện.

Quang cảnh kỳ họp chuyên đề lần thứ 19 HĐND tỉnh Tuyên Quang
Hội đồng nhân dân

Tuyên Quang: Thông qua 6 nghị quyết quan trọng

Chiều ngày 14.11, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 19. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà chủ tọa kỳ họp.

Đồng Tháp: HĐND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân kế hoạch vốn năm 2024
Hội đồng nhân dân

Đồng Tháp: HĐND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân kế hoạch vốn năm 2024

Ngày 14.11, HĐND tỉnh Khóa X đã tổ chức Kỳ họp đột xuất lần thứ Mười để xem xét, giải quyết kịp thời những nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt, là nội dung điều chỉnh vốn đầu tư công để bảo đảm chỉ tiêu giải ngân đề ra trong năm.