Năm 2016, một cuốn tiểu thuyết do AI làm đồng tác giả đã lọt qua vòng đầu giải thưởng văn chương quốc gia Nhật Bản Hoshi Shinichi. Cuốn sách có tựa đề The day a computer writes a novel (tạm dịch: Ngày máy tính viết tiểu thuyết), của nhóm chuyên gia thiết kế chương trình AI viết văn Future University Hakodate, Nhật Bản.
Tiểu thuyết được đánh giá cấu trúc tốt, chỉ còn một số vấn đề phải điều chỉnh để làm tốt hơn như cách mô tả nhân vật… Mặc dù không giành giải nhưng thành tích đó của The day a computer writes a novel cho thấy tiềm năng rộng lớn của AI khi lấn sân lĩnh vực văn chương.
Trong chương trình gặp gỡ, giao lưu với độc giả Việt Nam mới đây, tác giả của bộ ba tác phẩm về kiến nổi tiếng Bernard Werber đã chỉ ra rằng, công nghệ đang tác động rất lớn đến việc viết văn. Trên thế giới ngày càng nhiều tiểu thuyết được viết bằng AI và bản thân Bernard Werber cũng đã có trải nghiệm sử dụng AI trong hành trình sáng tác của mình.
Nhà văn chia sẻ: “Tôi từng nhờ AI viết giúp mình một chương tiểu thuyết, với nội dung về sự thất vọng trong cuộc sống và nhận ra từ ngữ của nó phong phú hơn nhiều so với từ của tôi. Từng câu văn đều được chăm chút, chẩn chỉnh”.
Tuy nhiên, chính sự chăm chút, chẩn chỉnh này đã bộc lộ điểm yếu của AI. Bernard Werber cho rằng AI có thể viết được bất cứ thể loại văn học nào, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, thậm chí là thơ… nhưng không thể truyền tải được cảm xúc, chất văn đặc trưng của người viết vào tác phẩm.
“Không thể chối cãi rằng AI viết rất nhanh, rất hay, thậm chí còn hoa mỹ hơn. Thế nhưng, tất cả chỉ là một sự pha trộn, cóp nhặt. Nó không có sự sáng tạo, không có tính mới lạ và riêng biệt. Văn chương mà thiếu dấu ấn khác biệt thì không được”, Bernard Werber nói.
Công nghệ AI đang phát triển vượt bậc, khả năng tạo ra văn bản, thơ ca, tiểu thuyết đặt ra thách thức cho các nhà văn viết truyền thống. Song rõ ràng, cho đến thời điểm hiện tại, AI vẫn khó thể hiện cảm xúc, tư duy sâu sắc và sự sáng tạo của một người cầm bút thực thụ. Bởi lẽ, tác phẩm văn chương có tính cá nhân hóa rất cao. Người viết thường dựa vào trải nghiệm cá nhân và quan sát cuộc sống để hình thành tác phẩm, từ đó mang lại những giá trị “ngoài văn bản” thuộc về tính nhân bản, xúc cảm văn chương.
Nhà văn Y Ban, trong bài viết “AI liệu có thể thay thế nhà văn, nhà thơ chúng ta?” trên báo Đại đoàn kết nhận định: “Mạng xã hội đang chi phối nhiều đến việc đọc, viết, nên dễ quyến rũ những người viết nhanh và muốn nổi tiếng nhanh. Muốn viết nhanh mà chưa kịp sống, chưa kịp trải nghiệm, chưa kịp đào sâu suy nghĩ thì lại lên mạng tra Google hoặc ChatGPT. Với các dữ liệu, những cái đầu thông thái bậc nhất làm AI có thể khiến con người phải phụ thuộc vào nó. Thế nhưng những tâm tư, tình cảm, những thứ thuộc về trái tim thì không một AI nào có thể làm thay”.
Không AI nào có thể làm thay vai trò của nhà văn nhưng AI hoàn toàn có thể hỗ trợ và mang đến nhiều cơ hội cho nhà văn. Người viết văn trong kỷ nguyên số có thể “hợp tác” với AI, sử dụng công cụ này để tạo ra ý tưởng, tìm kiếm thông tin, thậm chí viết bản nháp, từ đó người viết sẽ tập trung vào việc sáng tạo, tìm ra những góc nhìn mới và độc đáo.
Nhà văn Phùng Văn Khai, tác giả của một loạt tiểu thuyết đề tài lịch sử như Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang vương... viết trong bài “Sáng tạo văn học nghệ thuật: Cuộc chiến giữa văn nghệ sĩ và trí tuệ nhân tạo”, đăng trên báo Quân đội Nhân dân, rằng: “AI và sáng tạo văn chương là hai vấn đề riêng biệt, độc lập, dù chúng hoàn toàn có thể tương hỗ nhau, liên thông với nhau. Trong kỷ nguyên công nghệ, thời kỳ mà AI bùng nổ, các văn nghệ sĩ nên dành thời gian tìm hiểu ngọn ngành về AI. Tôi tin rằng, cái quan trọng nhất làm nên thành công của người nghệ sĩ, chính là dành thời gian và trí tuệ của mình, nhiệt huyết và trái tim của mình, sáng tạo nên các tác phẩm đặc sắc mà không một AI nào có thể thay thế”.