
Đại hội đã thu hút được sự quan tâm của 200 đại biểu đến từ 100 tổ chức tài chính, tổ chức tư vấn toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển và các chuyên gia từ gần 50 quốc gia trên thế giới tham dự. Trong đó, có 4 tổ chức Hiệp hội tài chính thế giới (Hiệp hội tài chính phát triển Mỹ Latinh (ALIDE), Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn Châu Phi (AFRACA), Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn Châu Á-Thái Bình Dương (APRACA), Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Khu vực Cận Đông-Bắc Phi (NENARACA) và Hiệp hội tín dụng nông nghiệp thế giới (CICA).
Với 6 phiên hội nghị chuyên đề, Đại hội tập trung thảo luận các nội dung: (i) Ứng phó với kịch bản toàn cầu mới: Phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững và toàn diện; (ii) Đổi mới công nghệ để tài trợ nông nghiệp ở Mỹ Latinh; (iii) Cung cấp vốn cho Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững ở LAC: Vai trò của các Ngân hàng Phát triển Quốc gia (iv) Tài trợ chuỗi giá trị thủy sản ở Châu Phi: Mở rộng quy mô nền kinh tế xanh; (v) Tài chính toàn diện xanh là yếu tố kích hoạt quan trọng đối với hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững; (vi) Các hệ thống bảo hiểm đóng vai trò là động lực tài trợ cho nông nghiệp - chăn nuôi.
Tham gia tọa đàm trong phiên thứ 5 với chủ đề “Tài chính toàn diện xanh là yếu tố kích hoạt quan trọng đối với hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững”, bà Nguyễn Tuyết Dương - Thành viên HĐTV Agribank đã trình bày về chủ đề "Tín dụng xanh trong chiến lược phát triển toàn diện của Agribank". Bài thuyết trình đã nhận đươc sự quan tâm sâu sắc của các tổ chức, đại biểu tham dự Đại hội.
Theo bà Nguyễn Tuyết Dương, thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động theo các cam kết và thỏa thuận quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Giai đoạn 2017-2021, đã có 39 TCTD có phát sinh dư nợ cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh với mức tăng trưởng dư nơ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 25%/năm. Với những định hướng và lộ trình chính sách của Chính phủ Việt Nam, sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh tại Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến cuối tháng 10.2022, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,82 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,63 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 65% tổng dư nợ Agribank và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam;
Bà Nguyễn Tuyết Dương cũng đề cập đến những rào cản trong tăng trưởng tín dụng xanh mà Agribank cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam phải đối mặt khi đầu tư cho tín dụng xanh, bao gồm: các rào cản về quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đối với tín dụng xanh; việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Tuy nhiên, với vai trò là ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam, vì tương lai xanh của toàn thế giới.