Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 10 xã có nghề truyền thống gồm: Bát tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp… Bên cạnh đó, các xã có nghề mới chiếm 45,5%. Mặc dù doanh thu tại các làng nghề khá cao, thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt mức khá, song vấn đề xử lý môi trường trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập. Một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình trong các làng nghề chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất. Trong số đó, làng nghề da Kiêu Kỵ phát sinh chủ yếu là chất thải rắn, khối lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở sản xuất là khó kiểm soát do các cơ sở sản xuất thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Tại làng nghề Bát Tràng, mặc dù các hộ gia đình đã đầu tư bể xử lý nước thải sản xuất, tuy nhiên do nhiều hộ gia đình cùng phát thải tập trung nên chất lượng nước thải ra kết hợp với nước thải sinh hoạt vẫn ô nhiễm cục bộ…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, khó khăn lớn nhất hiện nay là các làng nghề còn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất của các hộ gia đình mang tính chất thập thể làng xã từ lâu đời, việc chuyển địa điểm sản xuất mới còn nhiều tốn kém; việc tiếp xúc áp dụng với công nghệ xử lý chất thải bảo đảm môi trường còn hạn chế và liên quan đến kinh phí nên phần lớn các hộ chưa thực hiện, mặt khác vẫn còn quan điểm là làng nghề thì cùng chịu chung.
UBND huyện kiến nghị với đoàn: tăng cường chế tài xử lý đối với các hộ gia đình, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; hỗ trợ thực hiện cải tạo hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bát Tràng, đầu tư mới dự án xây dựng trạm xử lý nước thải làng nghề Bát Tràng trong khu dân cư và trạm xử lý nước thải trong khu làng nghề Kiêu Kỵ.
Ngay sau đó, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tới một số làng nghề để nắm tình hình thực tế.