Chất lượng chưa đồng đều
Theo thống kê của Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, hiện trên cả nước có 84 hòa giải viên thương mại vụ việc. Bên cạnh những hòa giải viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp vẫn còn những hòa giải viên chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng, kiến thức. Chất lượng hòa giải viên không đồng đều nên gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp.
Còn theo báo cáo của Toà án nhân dân tối cao về tình hình triển khai Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020, một trong những vướng mắc, khó khăn khi triển khai Luật là kỹ năng hòa giải của hòa giải viên còn hạn chế, nhất là các vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại phức tạp.

Thời gian qua, nhiều cơ sở đại học đào tạo luật đã đưa nội dung hòa giải vào các chương trình đào tạo hệ cử nhân và thạc sĩ dưới dạng các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn tùy từng nội dung kiến thức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các cơ sở thường gặp phải những khó khăn như việc tiếp cận các nguồn hồ sơ, tài liệu thực tiễn tương đối khó khăn do tính chất bảo mật của hoạt động hòa giải. Việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên cũng ít hiệu quả do chỉ được tiếp cận các vụ việc dưới dạng tình huống vắn tắt.
Mặc dù tài liệu về hòa giải bằng tiếng Anh tương đối phổ biến song các cơ sở đào tạo vẫn thiếu giáo trình cũng như các tài liệu nghiên cứu bài bản, mang tính đồng nhất cao bằng tiếng Việt. Điều này làm hạn chế khả năng đào tạo cho những đối tượng chưa có trình độ ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó, do các hòa giải viên chuyên nghiệp thường hành nghề tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nên các cơ sở đào tạo tại các tỉnh thành khác gặp khó trong việc mời các hòa giải viên đến đào tạo cho học viên, sinh viên của mình.
Hiện, chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng qua một số khảo sát về vụ việc tranh chấp thương mại được giải quyết bằng hòa giải cho thấy tỷ lệ sử dụng phương thức này còn thấp. Ngoài một số nguyên nhân như do hòa giải vẫn là phương thức mới nên nhận thức của doanh nghiệp về hòa giải chưa đầy đủ, một số quy định pháp luật liên quan đến hòa giải thương mại chưa rõ ràng nên doanh nghiệp thường có xu hướng lựa chọn phương thức chắc chắn hơn như Tòa án và Trọng tài. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải các tranh chấp thương mại chưa cao, mặc dù Điều 7, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại, Điều 10 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đã quy định khá rõ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của hòa giải viên.
Quy định thời gian đào tạo bắt buộc
Để thu hút được nhiều hơn doanh nghiệp lựa chọn phương thức hòa giải, các ý kiến cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên. Các nước trên thế giới đều có những điều kiện khá khắt khe để đảm bảo chất lượng đầu ra của đội ngũ này. Đơn cử, Cộng hòa Áo đưa ra yêu cầu trong Luật Đào tạo hòa giải là 200 giờ tối thiểu để trở thành hòa giải viên. Phần lớn các trung tâm hòa giải ở Anh chỉ chấp nhận hòa giải viên sau khi đã trải qua tối thiểu 40 giờ tập huấn về lý thuyết và thực hành. Tại Hoa Kỳ, mỗi bang có những yêu cầu riêng do Toà án công nhận nhưng yêu cầu tối thiểu chung là 20 giờ đào tạo. Còn ở nước ta chưa đặt ra yêu cầu về thời gian tập huấn, đào tạo bắt buộc mà chỉ cần tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng về hòa giải thương mại do cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức.

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Trung tâm Luật NH Quang, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia thành viên ASEAN hay thành viên CPTPP cho thấy, các quốc gia thường tập trung phát triển nhanh đội ngũ hòa giải viên có thể giải quyết các tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại và đầu tư có yếu tố quốc tế, đặc biệt là các tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Vì vậy, cần thiết nghiên cứu xây dựng đề án phát triển đội ngũ hòa giải viên nói riêng, tổ chức hòa giải thương mại nói chung có năng lực giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài bằng cả phương thức truyền thống và phương thức trực tuyến. Trong đó quy định những người muốn trở thành hòa giải viên phải tham gia đào tạo bắt buộc trong một khoảng thời gian nhất định.
Để khuyến khích và huy động được nguồn lực cho hoạt động này, Nhà nước cần cho phép các tổ chức hòa giải thương mại tiến hành các chương trình đào tạo cơ bản, huấn luyện và tập huấn nâng cao về nghiệp vụ hòa giải cho mọi đối tượng mà không chỉ giới hạn cho các hòa giải viên của các tổ chức đó. Ngoài ra, hiện chỉ có một vài trung tâm hòa giải và trung tâm trọng tài xây dựng quy tắc đạo đức hòa giải viên. Do đó cần nghiên cứu ban hành quy tắc chung về đạo đức và ứng xử của hòa giải viên để bảo đảm chất lượng, tính liêm chính và công bằng cho hoạt động hòa giải. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các quy định cần thiết để bảo vệ, hỗ trợ hòa giải viên thực hiện các quy tắc đạo đức ứng xử như quy tắc về bảo mật trong hòa giải.