Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc hôn nhân và gia đình tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ngọc Lặc, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Ngọc Lặc nhận thấy: Trong thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân, trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần ổn định trật tự xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn thực trạng “Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn” theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình còn xảy ra và có chiều hướng tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quá trình thụ lý, giải quyết án vụ án dân sự về Hôn nhân và gia đình của TAND huyện Ngọc Lặc có thụ lý, giải quyết 07 vụ (07 cặp nam nữ) chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, chiếm tỷ lệ cao.
Một số nguyên nhân chủ yếu, do ảnh hưởng của phong tục tập quán địa phương; nhận thức pháp luật còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Hôn nhân và gia đình đến quần chúng nhân dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số chưa được thường xuyên, liên tục, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể; công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu ở các xã, thị trấn trên địa bàn chưa thực sự chặt chẽ; các cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn với thời gian dài, nhưng công tác phát hiện, xử lý của chính quyền địa phương chưa được kịp thời và kiên quyết.

Với mục tiêu bảo đảm việc chấp hành pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức; giáo dục pháp luật về Hôn nhân gia đình cho quần chúng nhân dân, xây dựng một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, đời sống hôn nhân hạnh phúc, Viện trưởng VKSND huyện Ngọc Lặc đã ban hành Kiến nghị số 01 ngày 20.3.2024 đến Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc để có những biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình trong thời gian tới, đẩy lùi thực trạng “Nam nữ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn”, cụ thể:
Chỉ đạo cơ quan, ban ngành, phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục cho Hội viên và quần chúng nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về Hôn nhân và gia đình, các quy định, điều kiện, thủ tục về kết hôn, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn; công tác giáo dục giới tính, lối sống trong tầng lớp thanh, thiếu niên để họ nhận thức được hậu quả của việc chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình, nhất là trường hợp “Nam nữ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn”.
Chỉ đạo cơ quan, ban ngành hữu quan phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, Chi nhánh số 2 - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá để tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình, đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, cho thế hệ trẻ; các hành vi vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình.
Kiến nghị phòng ngừa nêu trên của VKSND huyện Ngọc Lặc đến Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật nói chung, pháp luật về Hôn nhân và gia đình nói riêng, đặc biệt là trường hợp “Nam nữ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn” trong thời gian tới.