Nguồn: dulichdailoi.com |
Việt Nam có tiềm năng du lịch phong phú, tuy nhiên theo đánh giá của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phát triển của du lịch nước ta đang tỏ ra yếu kém nhiều mặt, ngay cả so với các nước trong khu vực. Ngoài thắng cảnh đẹp, dịch vụ tốt, thì làm thế nào để xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện - yếu tố quyết định sự hấp dẫn khách đến lưu trú lâu dài, là trăn trở không chỉ riêng của nhà quản lý, các đơn vị lữ hành. Trước thực tế ngành du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển, cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy du lịch phát triển. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các địa phương trong ba nhóm vấn đề chính: tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo đảm vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm.
Nhằm tìm giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, ngày 15.7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm đối thoại trực tuyến, với sự tham gia của các nhà quản lý trung ương, địa phương và một số đơn vị lữ hành. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, hiện nay có một số yếu tố hạn chế năng lực cạnh tranh của du lịch nước ta, đã được ngành du lịch tổng kết, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Nhóm vấn đề đầu tiên, để thu hút khách du lịch quốc tế chúng ta còn hạn chế ở ba khía cạnh: thứ nhất là mức độ thuận lợi để tiếp cận visa, thứ hai là kết nối đường bay trực tiếp tới các thị trường trọng điểm và thứ ba là nguồn đầu tư cho công tác quảng bá xúc tiến, tính chuyên nghiệp cũng như tính hiệu quả cho hoạt động này. Nhóm vấn đề tiếp theo gồm: hạn chế về hạ tầng giao thông mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những bước tiến tích cực; an toàn môi trường và ứng xử trong văn minh du lịch; chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực…
|
Khánh du lịch tham quan Tràng An, Ninh Bình | Ảnh: Denis Vincent Bissonnette |
Như Chỉ thị 14 đã nêu, có thể nhận thấy rõ là nạn đeo bám khách đang làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch và đáng buồn là nó xảy ra ở không ít địa phương. Tuy vậy, đối với các địa phương, để giải quyết vấn đề này không dễ, như ở khu du lịch Sapa của Lào Cai thì càng khó khăn hơn. Đa số người dân ở Sapa là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không cao, công ăn việc làm không có, cho nên người ta coi việc đeo bám bán hàng cho khách du lịch là kế sinh nhai. Tuy nhiên, có thể giải quyết được vấn nạn này khi chính quyền vào cuộc và có những biện pháp cụ thể, tạo công ăn việc làm cho dân. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, phải vừa tuyên truyền, vừa hành động và cần giải quyết dứt điểm vấn nạn trên, trong đó đề cao trách nhiệm của từng xã, bản, làng, khu, thôn để từng người dân thấm nhuần, trở thành những chủ nhà hiếu khách. Bản thân mỗi người dân phải nhận thức được rằng, tạo ra hình ảnh đẹp về địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển sẽ mang lại lợi ích cho chính gia đình họ và cộng đồng.
Tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, việc các địa phương duy trì đường dây nóng là rất cần thiết để kiểm soát giá cả. Tại các điểm đến, cần công khai, minh bạch, các cơ sở kinh doanh đều phải đăng ký và niêm yết giá. Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin, chính sách cho khách du lịch và giám sát. Trách nhiệm thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu. Đặc biệt, ở những nơi tập trung đông khách du lịch thì phải thành lập trung tâm hỗ trợ để có thể giải quyết ngay những bất cập nảy sinh, để du khách yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ và thưởng lãm cảnh đẹp của Việt Nam.
Cao Sơn