Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, tại một số điểm di tích trong khu phố cổ, người xem có dịp chiêm ngưỡng những hình ảnh mới về sản phẩm nghề truyền thống của Hà Nội như: nón làng Chuông, quạt Chàng Sơn, đàn Đào Xá, trống Đọi Tam qua ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt. Xưa kia, những sản phẩm này được bày bán khá nhiều trong khu vực phường Hàng Gai, nay cả bốn sản phẩm trên được bày bán rất ít. Sự thay đổi về nhu cầu của cuộc sống khiến nhiều con phố tại khu vực phốë cổ không còn là phố chuyên kinh doanh về sản phẩm mà chúng mang tên nữa. Điển hình như phố Hàng Nón và phố Hàng Quạt nay chỉ còn tên phố. Chính vì thế, thời gian gần đây các triển lãm do BQL Phố cổ Hà Nội tổ chức thường tái hiện phần nào hình ảnh phố xưa Hà Nội qua việc trưng bày các tài liệu, dụng cụ gắn với nghề. Phó trưởng ban BQL Phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long cho biết, đây là lần đầu tiên BQL Phố cổ Hà Nội giới thiệu nghề truyền thống qua nghệ thuật sắp đặt nhằm gắn hình ảnh phố nghề với cuộc sống hiện đại. Qua triển lãm, các nghệ nhân tham gia trình diễn cũng công nhận cách phối cảnh, bài trí của nghệ thuật sắp đặt đã làm cho những đồ dùng giản dị trong cuộc sống thêm sức hút với khách tham quan.
![]() Nón làng Chuông |
Đến từ Bỉ, bà Stephan chia sẻ: “tôi rất ấn tượng với cách trang trí này vì nó giúp người xem vừa như thấy hình ảnh xa xưa của làng nghề truyền thống Hà Nội nhưng lại vừa gần gũi, dễ hiểu, dù tôi không biết tiếng Việt. Ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt giúp chúng tôi hiểu hơn về nghề truyền thống của các bạn. Đó là cách truyền tải thông tin hữu ích”. Theo anh Hoàng Nam, một hướng dẫn viên du lịch, Hà Nội nay chỉ còn một vài con phố kinh doanh nghề gắn với tên như: Hàng Bạc, Hàng Mã... Vì vậy, du khách muốn tìm hiểu sâu các anh thường giới thiệu về làng nghề gần đó. Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống của chúng ta chưa sản xuất sản phẩm phù hợp với thị hiếu và mẫu mã mà khách yêu thích nên khó tiêu thụ. Nhiều khách rất ấn tượng với nón lá Việt Nam và khi đến làng nghề, họ yêu cầu một số màu sắc và hình dáng cho hợp với việc di chuyển.
Thực tế, người dân các làng nghề hiện vẫn chủ yếu làm những mẫu mã không thay đổi từ xưa đến nay, dẫn đến lượng tiêu thụ ít, giá trị kinh tế thấp. Trong khi đó, những mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng nhưng tốn công sức vẫn chưa được quan tâm, vì chưa bắt đúng thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại. Bà Vũ Thị Thông, 76 tuổi, làng Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu làm nón nghệ thuật cho các đoàn ca múa nhạc hoặc quà tặng nên rất chú ý về chất lượng. Nón nghệ thuật đòi hỏi sự tinh xảo, mất nhiều công từ chọn lá đồng màu đến khâu đều mũi… Hiện nay, việc làm nón được hỗ trợ bằng máy móc nhưng những chiếc nón nghệ thuật vẫn do bàn tay con người làm nên”. Có thể thấy, người dân làng nghề đều hiểu rằng mẫu mã đẹp, chất lượng tốt sẽ quyết định tương lai làng nghề. Tuy nhiên, các cơ sở của làng nghề do còn sản xuất nhỏ lẻ nên chủ yếu làm công việc kỹ thuật đơn thuần, giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, để chủ động được thị trường cần có đơn vị thiết kế mẫu, xây dựng thương hiệu làng nghề. Vấn đề này, cần phải có người tổ chức và cấp chính quyền định hướng.
![]() Đàn Đào Xá |
Việc triển lãm giới thiệu các làng nghề qua ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt là một minh chứng về việc cần tạo hình ảnh mới cho làng nghề, sản phẩm làng nghề với cách tiếp cận mới để mọi người hiểu hơn về làng nghề, nhất là lớp trẻ. Theo họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức - tổng đạo diễn chuỗi hoạt động văn hóa Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại, làng nghề vẫn tồn tại như mạch ngầm bản sắc văn hóa. Trong cơ chế thị trường, tạo ra sản phẩm truyền thống phải bán được, có thu nhập. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết cách tạo cho làng nghề một hình ảnh đẹp, bền vững, với những sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa gần gũi với đời sống. Bên cạnh đó, để sản phẩm nghề truyền thống phát triển, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để người dân làng nghề tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm thực sự chất lượng, có giá trị nghệ thuật.