Vinh danh người làm sách và tác phẩm có giá trị nổi bật
Sáng 28.10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia.
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, trong 5 năm tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia, đã có 139 cuốn sách, bộ sách được trao giải. Những cuốn sách được trao giải đều có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực...
Dù chịu tác động của dịch Covid - 19 trong các năm 2020, 2021 nhưng giải thưởng vẫn được tổ chức liên tục, không gián đoạn. Qua từng năm, giải thưởng đã bao quát được các mảng sách của xuất bản Việt Nam, đáp ứng tính đa dạng trong các lĩnh vực; sách dự giải ngày càng có chất lượng tốt hơn, đóng góp của các tác giả ngày một lớn... Số lượng nhà xuất bản tham gia giải tăng dần qua các mùa giải.
Giám đốc NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ: Qua 5 năm, giải thưởng đã mang lại uy tín cho những người làm nghề, mang lại cho tác giả, người viết, sáng tác niềm hạnh phúc được ghi nhận. Giải ngày càng có sức lan tỏa, tạo sự háo hức chờ công bố danh sách tác phẩm được vinh danh. Và sau khi đạt giải, nhiều cuốn sách đã tăng đột biến số lượng phát hành. Giải cũng có xu hướng mở, ghi nhận những tác phẩm có giá trị thực sự, đánh giá đúng tác phẩm qua thời gian.
Còn theo PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Sách Khoa học Xã hội và Nhân văn: Giải đã có bước tiến xa, hoàn chỉnh hơn về thể lệ, quy chế ngày càng chặt chẽ. Trước đây khi trao giải thường chỉ nói đến tác giả, thì nay để công bằng hơn, giải thưởng tôn vinh các nhà xuất bản, người làm sách có công phát hiện bản thảo, tổ chức biên dịch, biên soạn - là những “bà đỡ” để các cuốn sách chất lượng ra đời. Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Đức Cường cũng mong muốn các cuốn sách, công trình đạt giải hàng năm được quảng bá nhiều hơn nữa tới bạn đọc.
Đồng tình với ý kiến trên, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam nhận định:Giải thưởng Sách Quốc gia làm xôn xao giới văn học, bạn đọc, mọi người mãn nguyện khi cuốn sách của Nhà thơ Trần Vàng Sao được trao Giải, thể hiện rằng các giá trị văn chương đã được công nhận, đồng thời cho thấy giải thưởng ngày càng khẳng định vị trí của mình trong người đọc và toàn xã hội trong việc tìm, chọn lựa, trao giải cho tác phẩm xứng đáng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải thưởng đã theo tinh thần “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nếu như Giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 12 (2016) tổng số giải là 90, qua các mùa Giải thưởng Sách Quốc gia, năm có số lượng giải cao nhất (2019) là 27 giải...
Thu hút thêm nhiều sách giá trị tham dự, lan tỏa sách đạt giải
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, còn một số hạn chế, bất cập. Trong triển khai cơ chế tài chính còn phức tạp. Do Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì tổ chức nên kinh phí được chuyển về Bộ. Hội Xuất bản Việt Nam được bàn giao kinh phí để tổ chức thực hiện. Quá trình này ít nhiều gây khó khăn trong xây dựng dự toán và quyết toán hằng năm.
Với quy mô, ý nghĩa và sức lan tỏa của Giải thưởng Sách Quốc gia, việc Nhà nước bổ sung kinh phí, kết hợp việc Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực xã hội để nâng cao giá trị giải thưởng, tổ chức chấm và trao giải xứng tầm Giải thưởng cấp quốc gia là hết sức quan trọng, cần thiết, khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nghiên cứu, sáng tác, những người làm sách, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập.
Thực tế cho thấy dù số lượng nhà xuất bản dự giải duy trì ổn định, số sách dự giải tăng dần qua các năm nhưng nhìn chung số lượng sách gửi dự giải chưa nhiều, chỉ trên dưới 300 tên sách, chưa đến 1% số lượng sách xuất bản hàng năm. Vắng bóng một số sách có giá trị tham gia dự và đạt giải. Số lượng sách dịch và sách tái bản đạt giải hằng năm có xu hướng tăng. Mặt khác, nhiều cuốn sách, bộ sách đạt giải, nhưng do có đối tượng độc giả hẹp (sách chuyên ngành, chuyên khảo) đã không thể tái bản hoặc in lại để phổ biến, cung cấp cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế nhằm phát huy giá trị to lớn của sách do không có đủ kinh phí tổ chức in ấn và phát hành...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, với ngành xuất bản - một ngành kinh tế công nghệ (bên cạnh nội hàm tư tưởng văn hóa), thời gian tới, cần có thêm ý tưởng thu hút các nguồn lực khác để tôn vinh sách, văn hóa đọc, khuyến khích sáng tạo... Bên cạnh giải thưởng mang tính học thuật, nên chăng có giải thưởng do độc giả bình chọn để bạn đọc có tiếng nói tương xứng với những tác phẩm họ yêu thích...
Theo Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo, việc xây dựng Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia 2023 - 2028 trình Chính phủ cần xác định rõ vị thế của Giải thưởng Sách Quốc gia nằm ở đâu trong hệ thống các giải thưởng về sách, từ đó huy động lực lượng tương xứng... Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, xem xét phương án để những cuốn sách đạt giải thực sự lan tỏa tri thức đến đông đảo bạn đọc theo đúng mục tiêu và ý nghĩa của Giải thưởng Sách Quốc gia.