Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Khăm Muồn, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt, tỉnh Chăm-pa-sắc (Lào), tỉnh Yamanashi (Nhật Bản); lãnh đạo các tỉnh bạn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; và đông đảo các tầng lớp Nhân dân địa phương…
Đọc diễn văn kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng nêu rõ, Quảng Bình là vùng đất đã hình thành từ thuở các vua Hùng dựng nước. Đến năm 1604, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính thức đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình để tỏ lòng ước vọng một nền “Thái bình rộng lớn”.
Diễn trình 420 năm là sự kết nối, hội tụ và bồi đắp các giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Quảng Bình. Đây là vùng đất văn vật, có nhiều làng khoa bảng, văn hóa danh tiếng, được truyền tụng từ đời này qua đời khác; là một trong những cái nôi thu hút, đào luyện và sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt trí dũng song toàn làm rạng danh cho vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là niềm tự hào của dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Quảng Bình; là quê hương của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi trời Nam; Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, một tài năng quân sự kiệt xuất, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Nhân dân Quảng Bình đã thể hiện khí phách kiên trung, anh dũng, yêu quê hương, đất nước nồng nàn, quyết tâm cùng toàn dân tộc đấu tranh giành lại độc lập, chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất non sông, đất nước.
Đất nước thống nhất, Quảng Bình cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh trong “ngôi nhà chung” Bình Trị Thiên để xây dựng, kiến thiết quê hương. Ngày 1.7.1989, Quảng Bình chính thức được tái lập, đánh dấu sự kiện chính trị quan trọng - ngày Quảng Bình trở về với địa giới hành chính và tên gọi vốn có trong lịch sử.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh dấu mốc lịch sử thời điểm tái lập tỉnh khi Quảng Bình bước sang một thời kỳ phát triển mới, với kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Từ xuất phát điểm thấp, đến nay, công nghiệp, đặc biệt là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm. Du lịch, dịch vụ, thương mại tăng trưởng nhanh, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong những năm qua. Trong đó, kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức cao, bình quân thời kỳ 1991 - 2023 đạt 7,9%/năm.
Trên nền tảng vững chắc và những thành tựu quan trọng, Thủ tướng cho rằng, Quảng Bình có hội to lớn phát triển bứt phá, trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Bình cần tập trung vào một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, cần nâng cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển; khắc phục những hạn chế; chủ động hơn, sáng tạo hơn. Phát huy những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình; các giá trị tốt đẹp của phong trào “Gió Đại Phong”, phong trào “Hai giỏi”, khí phách “Quảng Bình quật khởi” - coi đây là cốt cách, bản sắc riêng và là nguồn lực to lớn để Quảng Bình phát triển thịnh vượng, bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Bình cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên, phát huy lợi thế "Vương quốc hang động"; xác định phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, tiềm năng mới, giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu nhiệm vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và các ngành, lĩnh vực mới nổi; phát huy lợi thế về kết nối để đưa Quảng Bình trở thành một đầu mối giao thương quan trọng ở miền Trung. Đồng thời, phải chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân; tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đa ngành...; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân.
Tại buổi lễ, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo cán bộ, quần chúng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” chào mừng Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh.
+ Cùng ngày, tại Quảng Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ của Người ở Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Đồng Hới; dâng hương tưởng nhớ, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng, liệt sĩ; kiểm tra, khảo sát, động viên, đôn đốc các lực lượng đang thi công các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thăm, tặng quà gia đình chính sách và trẻ em, người tàn tật tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Bình; thăm thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, động viên Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng đời sống văn hóa.