Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát triển TP. Hồ Chí Minh với tinh thần '6 tiên phong'

Sáng 10.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và việc thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP. Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15.  Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo và TP. Hồ Chí Minh.

Đòn bẩy để Thành phố phát triển nhanh và bền vững

Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp... song tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,65% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Trong 7 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước 309.000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gân 14% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến tăng 30,3%.

Thành phố tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án trọng điểm, tập trung tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, tập trung hoàn thành tuyến Metro số 1; thúc đẩy thi công: Dự án đầu tư Xây dựng đường Vành đai 3; Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú; Dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50.

Thành phố đã trình Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 12.000 tỷ đồng, đạt 15,2%. Thành phố đã đề ra 6 giải pháp đột phá phấn đấu năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng 7% và năm 2025 đạt tốc động tăng trưởng 8-8,5%...

Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chống ngập và thoát nước khu vực trung tâm; phê duyệt khu công nghiệp chuyên ngành y – dược; hỗ trợ ngân sách Trung ương cho Khu công nghệ cao mở rộng; chấp thuận chủ trương thực hiện một số dự án giao thông; sớm hoàn thiện, thông qua chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển đường sắt đô thị, Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại đây...

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), sau 1 năm, các Bộ đã hoàn thành 8/18 nhiệm vụ và TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành 10/24 nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhiều nhiệm vụ đang được các Bộ triển khai tích cực như dự án phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung lương; đề án Trung tâm tài chính quốc tế, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh; đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon; cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu…

TP. Hồ Chí Minh đã bố trí 2.796 tỷ đồng thúc đẩy thực hiện Chương trình giảm nghèo; 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời ban hành danh mục 29 dự án thuộc các ngành văn hóa, thể thao, y tế kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa 1,5 lần so với tiền lương gạch bậc, chức vụ. Thành phố cũng bố trí tăng chi cho khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố thảm họa, quốc phòng, an ninh…; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chính sách cho phát triển thành phố Thủ Đức…

Hội nghị đánh giá, qua gần 1 năm triển khai Nghị quyết 98, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan Trung ương và TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nghị quyết 98 được xem là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung tại Nghị quyết 98 chưa được Thành phố triển khai hoặc triển khai còn chậm như các dự án theo các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng TOD, phát triển nhà ở và cải tạo môi trường, công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, khắc phục tình trạng quá tải về trường học, bệnh viện, thiếu cơ sở vật chất dành cho thể thao...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các báo cáo và ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tiễn về tình hình kinh tế- xã hội 7 tháng của năm 2024 và 1 năm triển khai Nghị quyết 98, đã chỉ rõ các hạn chế, vướng mắc, xác định nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất phương hướng, cách làm phù hợp cho thời gian tới.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành thông báo Kết luận của Hội nghị để thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố những tháng cuối năm 2024.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển TP. Hồ Chí Minh; sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Thành phố và kết quả thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 98 đã mang lại kết quả tích cực bước đầu, tạo tiền đề vững chắc và xung lực bứt phá để phát triển Thành phố nhanh, mạnh, bền vững.

Chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế đã có, tư tưởng đã thông, nhận thức đã chín, “cờ đã đến tay”, nhiệm vụ chính triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 thời gian tới cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa; hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào, dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh phải có tư tưởng tấn công, mạnh mẽ hơn nữa. Công tác phối hợp phải hiệu quả, chặt chẽ hơn; cách giải quyết, tháo gỡ vướng mắc phải mạnh mẽ hơn, sắc sảo hơn, bài bản hơn. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần chủ động điều phối, phối hợp, tháo gỡ với các bộ, ngành về giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong thực hiện Nghị quyết 98 để kết quả quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước.

Khơi thông nguồn lực, bứt phá, phát triển, đạt tốc độ 7,5-8% ngay trong năm 2024

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Điểm lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân đã đạt nhiều kết quả quan trọng rất đáng trân trọng, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong 7 tháng năm 2024, nhất là trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước, thu hút FDI, du lịch…Đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng y tế, giáo dục, nhà ở, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân…

Nêu các bài học kinh nghiệm; quán triệt quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu TP. Hồ Chí Minh quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả hơn với tinh thần “6 tiên phong”. Trong đó, tiên phong trong đổi mới tư duy, phát triển đồng bộ, toàn diện, bao trùm, tổng thể, hiệu quả bền vững, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp; tiên phong trong phát triển các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là tiên phong trong phát triển nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trọng tâm; tiên phong trong thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,5-8%. Thành phố thành lập Tổ chuyên trách nhằm tháo gỡ ngay những vấn đề, vướng mắc phát sinh; phát huy mạnh mẽ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; triển khai đồng bộ các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; kiểm soát giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thành phố phải nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong điểm, cấp bách như đường Vành đai 3; nút giao thông An Phú; mở rộng Quốc lộ 50; đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 trong quý III năm 2024, tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 2. Cùng với đó là khẩn trương hoàn thành phương án mở rộng tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc tuyến Metro 2, Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, thu hút nhà đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam...; tiếp tục nghiên cứu các chính sách huy động nguồn lực để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trình cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

Thành phố phải kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, chú trọng đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt và giải quyết ngay bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền; tăng cường thông tin truyền thông để người dân, doanh nghiệp biết, hiểu, đồng tình, hưởng ứng và cùng làm, cùng hưởng.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, TP. Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong xử lý công việc; nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng đô thị thông minh, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Thành phố ciải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tập trung hình thành các trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu trong nước, khu vực và quốc tế.

Thủ tướng lưu ý, Thành phố dành nguồn lực thích đáng, nhanh chóng phát triển quỹ nhà ở cho người lao động, công nhân; tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, triển khai dứt điểm dự án chống ngập, không để dây dưa, kéo dài. Thành phố tiếp tục tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng thời xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhấn mạnh, vai trò của TP. Hồ Chí Minh là “hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng”, “thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo”, “trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước”, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra là rất nặng nề, nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khơi thông nguồn lực, khai phá tiềm năng, tăng tốc, bứt phá, không ngừng phát triển.

Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15.4.2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xúc tiến đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, đặt trong tổng thể các quan hệ, vấn đề khác
Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xúc tiến đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, đặt trong tổng thể các quan hệ, vấn đề khác

Chiều 10.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, nhất là sau khi Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump công bố áp dụng mức thuế 10% và tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại trong vòng 90 ngày.

Hoa Kỳ ngừng đánh thuế đối ứng trong 90 ngày đối với Việt Nam là bước đi tích cực
Chính trị

Hoa Kỳ ngừng đánh thuế đối ứng trong 90 ngày đối với Việt Nam là bước đi tích cực

Chiều 10.4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao và các biện pháp sắp tới của Việt Nam trước việc ngày 9.4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị
Chính trị

Trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, quyết đoán, quyết liệt, đoàn kết, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới triển khai thực hiện

Lời Tòa soạn: Sáng 10.4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 11. Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khẩn trương, tích cực, chủ động chuẩn bị Đại hội XIV, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương 11 sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc.

Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 - 10.4.2025. Ngay sau Lễ đón chính thức trọng thể, sáng 9.4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Pedro Sánchez.

Tổng Bí thư Tô Lâm bắt tay các đại biểu
Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Sáng 9.4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng đã tổ chức Gặp mặt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Tổng Bí thư Tô Lâm dự cuộc gặp mặt.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn
Chính trị

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn

Chiều 8.4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn tổ chức kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (11.4.1900 - 11.4.2025). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh bạn; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn qua các thời kỳ... tham dự chương trình.