Sở Công Thương đã đề nghị tập trung quy hoạch các chợ, chỉ xây dựng các chợ khi có nhu cầu thực sự của nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ đang hoạt động, vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ huyện, chợ xã phù hợp với quy hoạch, đồng thời sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành nghề để phát huy tối đa công suất của chợ.
Các ngành chức năng tăng cường xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát khu vực xung quanh các chợ; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, HTX chợ văn minh thương mại, chợ 4.0 giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sở Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai nhân rộng mô hình thí điểm bảo đảm chợ an toàn thực phẩm; đồng bộ trong công tác triển khai tuyên truyền cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ nắm rõ các quy định, chính sách của nhà nước, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 140 chợ gồm: 4 chợ hạng 1; 10 chợ hạng 2; 126 chợ hạng 3 thu hút gần 12.000 hộ kinh doanh hoạt động thường xuyên. Trong số này, 24 chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã. Các chợ do doanh nghiệp quản lý phần lớn được xây dựng cải tạo lại, cơ sở vật chất khang trang, công tác PCCC cơ bản đảm bảo, phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân.