Áp dụng công nghệ trong quản lý
Đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam có lợi thế về cảng biển, vận tải thủy, có tham gia vào các Hiệp định song phương và đa phương về vận tải quá cảnh, nên loại hình hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam luôn được tạo thuận lợi để thực hiện đúng các cam kết. Riêng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang quản lý 13 cảng biển, 7 ICD (cảng cạn), 43 bến cảng, bến phao… Mỗi năm, đơn vị xử lý thông quan xuất nhập cảnh cho gần 10.000 lượt tàu biển và hơn 80.000 lượt chuyến bay; làm thủ tục cho hàng chục nghìn tờ khai quá cảnh, tái xuất hàng hóa.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, tuân thủ đúng thông lệ quốc tế về tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa; cũng còn một số doanh nghiệp lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi vi phạm, chủ yếu là khai sai về số lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa quá cảnh; quá cảnh hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép; quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu… Điển hình còn có những trường hợp doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng loại hình quá cảnh đưa hàng cấm, hàng lậu vào Việt Nam và đã bị cơ quan hải quan phát hiện, khởi tố hình sự…
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ trên 300 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 961,21 tỷ đồng. Trong đó có 5 vụ buôn lậu, 5 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm (3 vụ vi phạm về ma túy), 292 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Chính vì thế, bên cạnh công tác tạo thuận lợi thương mại, để ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, đơn cử như tăng tỷ lệ soi chiếu trong kiểm tra giám sát quá trình xếp dỡ hàng hóa. Thông qua quá trình soi chiếu, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm đã được chuyển thông tin cho chi cục xử lý trong quá trình thông quan hàng hóa.
Mới đây, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo Tổng cục Hải quan tăng cường soi chiếu và kiểm tra thực tế hàng quá cảnh tại cửa khẩu xuất cuối cùng đối với những trường hợp nghi vấn; tăng chế tài xử phạt hành vi khai sai tên hàng, số lượng hàng quá cảnh khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; đồng thời chủ động cung cấp thông tin này cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban 389 các địa phương nơi có hàng hóa quá cảnh đi qua để tham gia phối hợp giám sát trọng điểm.
Giám sát thông qua việc gắn seal định vị
Để tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh chấp hành tốt pháp luật hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường cơ chế liên lạc, phối hợp giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp, nhằm gắn kết, trao đổi thông tin với nhau. Mặt khác, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng thay đổi phương thức quản lý chuyển từ phát triển chiều ngang sang chiều sâu, dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại.
Theo đó, chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc tăng cường thực hiện kiểm tra thực tế hàng quá cảnh; sau khi kiểm tra thực tế sẽ thực hiện gắn seal định vị điện tử các lô hàng đã kiểm tra thực tế cho cửa khẩu đến theo quy định. Container/hàng hóa được áp dụng phương thức giám sát bằng seal định vị điện tử GPS được theo dõi, giám sát đầy đủ, chặt chẽ theo thời gian thực hoặc gần với thời gian thực.
Cụ thể, đối với hoạt động vận chuyển độc lập, vận chuyển giữa các địa bàn giám sát hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các chi cục triển khai triệt để việc áp dụng seal định vị điện tử và công tác giám sát hành trình. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên cho rà soát kiểm tra các trường hợp vận chuyển quá thời hạn cả chiều đến và đi trên hệ thống.
Mặt khác, đơn vị đã tập trung nghiên cứu và đưa vào sử dụng Hệ thống quản trị Hải quan TP. Hồ Chí Minh (HCAS). Đây là hệ thống tích hợp nhiều ứng dụng, đã hỗ trợ hiệu quả tất cả các hoạt động quản lý điều hành nội bộ, quản trị nghiệp vụ và từng bước kết nối cộng đồng doanh nghiệp. Hệ thống quản trị HCAS tiến hành phân tích định kỳ hàng ngày (ở cấp chi cục) và hàng tháng (ở cấp cục) đối với tất cả các trường hợp trên hệ thống để kịp thời phát hiện ra các lô hàng đi vượt quá thời gian theo quy định, từ đó có biện pháp phối hợp xử lý.
Căn cứ vào tình hình thực tế trong từng thời điểm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ phân tích, đánh giá tình hình, chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm soát chuyên đề đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian tới để giám sát hiệu quả. Chính nhờ áp dụng nhiều biện pháp quản lý, giám sát chặt cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về hàng quá cảnh, tạm nhập, tái xuất, tình trạng vi phạm pháp luật hải quan từ loại hình thông quan này đã giảm đáng kể trong năm 2023.
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, nếu như năm 2022, đơn vị phát hiện được hơn 600 vụ vi phạm hàng quá cảnh với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 2,5 tỷ đồng, thì năm 2023, số vụ vi phạm từ loại hình này giảm chỉ còn trên 160 vụ việc, tương ứng giảm hơn 73%, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ gần 700 triệu đồng.