Sức sống của văn hóa dân tộc

Nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, minh chứng cho quá trình phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà, cũng như đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, được giới thiệu trong triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Đem văn hóa lãnh đạo quốc dân”
Triển lãm được trưng bày tại Nhà Quốc hội trong dịp diễn ra Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, sau đó dự kiến đưa về Trung tâm Triển lãm Vân Hồ từ ngày 16.11. Triển lãm giới thiệu 320 hình ảnh, 123 tài liệu, hiện vật với những nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. 
Nhiều tài liệu, hiện vật quý giới thiệu trong triển lãm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với văn hóa. Trong tờ báo Cứu quốc ra ngày 25.11.1946 có tường thuật Hội nghị Văn hóa toàn quốc, diễn ra tại Nhà hát Lớn ngày 24.11.1946, với sự tham dự của Hồ Chủ tịch, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, các bộ trưởng và hơn 200 đại biểu Bắc, Trung, Nam. 
Hồ Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc, như bài báo tường thuật, “thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”... 

	Một góc triển lãm tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Ng.Phương
Một góc triển lãm tại Nhà Quốc hội  
Ảnh: Ng.Phương

Nhiều ảnh, tài liệu, hiện vật trong triển lãm cho thấy, dù luôn bận trăm công, ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đi thăm các di tích lịch sử như đền Hùng, đền Côn Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... và thường nhắc nhở mọi người phải luôn biết trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân tộc. 
Người cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc tháng 12.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định: tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”...
Lan tỏa thông điệp bảo vệ và phát triển văn hóa
Triển lãm cũng khái quát sự phong phú của di sản, sức sống của văn hóa dân tộc từ truyền thống; cũng như những quan điểm, chính sách phát triển và những dấu ấn của văn hóa nghệ thuật nước nhà từ khi đất nước giành được độc lập cho tới nay. 
Đáng chú ý tại triển lãm có các tài liệu, hiện vật như: sách “Bắc Sơn” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (bản in năm 1946 của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam) - vở kịch tuyên truyền, biểu dương tinh thần chiến đấu bất diệt của nhân dân Bắc Sơn và là lời cảnh tỉnh cho những người còn đang thiếu lòng tin vào cách mạng; nhạc cụ của Đoàn Văn công Trung ương như đàn Gòn, Tiêu - sử dụng trong các buổi biểu diễn văn nghệ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt những nhạc cụ này đã được sử dụng trong đêm biểu diễn phục vụ lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam và Mặt trận Liên Việt ngày 3.3.1951 tại Chiến khu Việt Bắc. 
Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu máy quay phim (16LY hiệu Paillond 1483) của Xưởng phim Việt Nam - máy quay phim đầu tiên của điện ảnh Bắc Bộ Việt Nam từ những năm 1950, góp phần rất quan trọng cho nền điện ảnh Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong hòa bình. Máy đã thực hiện quay các bộ phim: Giải phóng Đông Khê, năm 1950 (quay phim: Phan Nghiêm); Liên hoan Ba Đình, năm 1951 (quay phim: Phan Nghiêm); Giữ làng, giữ nước, cuối năm 1953 - 1954 (quay phim: Mai Lộc) tại khu địch hậu (Khu 3); Điện Biên Phủ, năm 1954 (quay phim: Tiến Lợi); Tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tháng 10.1954 (quay phim: Nguyễn Phụ Cẩn)...
Qua các tài liệu, hiện vật cho thấy, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, văn hóa phục vụ kháng chiến theo khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng" với những hình thức hoạt động khác nhau như tổ chức triển lãm, sinh hoạt văn nghệ, xuất bản sách, báo... mang đậm tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, công tác văn hóa vẫn được chú trọng. Văn hóa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ góp phần làm nên thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn tạo nền tảng đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
Trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, văn hóa Việt Nam càng được quan tâm và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới...
Tham quan triển lãm, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ: Triển lãm có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức tại Nhà Quốc hội trong dịp Kỳ họp thứ Hai. Bởi Nhà Quốc hội là một trong những trung tâm chính trị lớn nhất của đất nước. Đợt này, các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trên mọi miền của Tổ quốc tụ họp về đây và chứng kiến, dành sự quan tâm đến sự kiện văn hóa này, từ đó có những góp ý, hiến kế cho sự phát triển của văn hóa phù hợp với tình hình mới.

"Triển lãm diễn ra trước Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24.11) cũng lan tỏa thông điệp, tầm quan trọng của hội nghị, giúp chúng ta có thêm quyết tâm, ý chí, hành động bảo vệ và phát triển văn hóa" - ĐBQH Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Văn hóa

Bài cuối: Hướng tới thành phố Huế đặc sắc, hạnh phúc
Văn hóa - Thể thao

Bài cuối: Hướng tới thành phố Huế đặc sắc, hạnh phúc

Giữ những cái Huế đang có và biến thành lợi thế so sánh với các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là các di sản, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch bền vững... Trong đó, phải tôn trọng tính chất đặc biệt của Huế là một đô thị lịch sử - văn hóa.

"Em bé Hà Nội" của đạo diễn, NSND Hải Ninh là 1/4 phim truyện đoạt nhiều giải thưởng sẽ được chiếu dịp này. Nguồn: TQ
Văn hóa - Thể thao

Thưởng thức miễn phí nhiều phim đoạt giải thưởng về Hà Nội

Chương trình phim chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) sẽ giới thiệu 9 bộ phim về Hà Nội. Trong đó, có 4 phim truyện đoạt nhiều giải thưởng gồm: Truyện cổ tích cho tuổi 17, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông 46, Long thành cầm giả ca.

Đêm nhạc Phạm Duy "Đường tình ta đi"
Văn hóa - Thể thao

Đêm nhạc Phạm Duy "Đường tình ta đi"

Khán giả Đà Nẵng yêu mến nhạc sĩ Phạm Duy sẽ được hội ngộ với những giọng ca hàng đầu gắn liền với âm nhạc của ông như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Trọng Bắc, Hoàng Trang - Nguyễn Đông, và người dẫn chuyện Nguyễn Hữu Chiến Thắng .

Bài 1: Di sản văn hóa hội tụ và hội nhập
Văn hóa - Thể thao

Bài 1: Di sản văn hóa hội tụ và hội nhập

Hơn 20 năm nay, Festival Huế là môi trường, là cơ hội làm sống lại và tỏa sáng di sản văn hóa Huế. Nhờ có Festival Huế, nhiều di sản được phục hồi, trao truyền và chủ thể văn hóa được hưởng lợi từ chính những di sản mình đang nắm giữ. Trong định hướng phát triển cũng như Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế được xác định sẽ trở thành Đô thị di sản, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.