Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm và làm việc với Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy |
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Đoàn công tác, Hiệu trưởng Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Thiếu tướng Lê Quang Bốn nêu rõ, trường được thành lập từ tháng 9.1976, thuộc hệ thống các học viện, trường công an nhân dân. Đây là trường duy nhất của nước ta đào tạo nguồn nhân lực về PCCC, cứu nạn, cứu hộ với đủ cấp độ đào tạo từ trình độ trung cấp đến tiến sỹ; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng trong và ngoài lực lượng công an nhân dân; nghiên cứu khoa học về PCCC, cứu nạn, cứu hộ, phục vụ yêu cầu phát triển KT – XH của đất nước và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân. Từ tháng 5.2012, trường đã thành lập Đội Chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ học tập tại Cơ sở 1 ở Hà Nội. Từ đó đến nay, đội đã tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 273 vụ; bình quân mỗi năm tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 34 vụ (tương đương với số vụ của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an một số tỉnh). Phương châm đào tạo của nhà trường luôn là, “lý luận gắn liền với thực tiễn”; “học đi đôi với hành”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, thời gian qua, trường đã có sự phát triển vượt bậc. Chương trình giáo dục, đào tạo, diễn tập, thực hành của trường thường xuyên được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng… Ngoài ra, Nhà trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho Bộ An ninh nước Cộng hòa dân chủ nhân Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia và làm tốt các nhiệm vụ hợp tác quốc tế khác.
Đoàn công tác trực tiếp xem diễn tập PCCC |
Chỉ rõ thực tế diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình cháy, nổ, thiên tai, bão lũ, đòi hỏi, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ luôn phải được quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành cao với những chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển nhà trường trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị, Ban giám hiệu, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ, giảng viên, học viên của nhà trường cần tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và toàn diện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Công an về công tác giáo dục, đào tạo, công tác PCCC, đặc biệt là Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Luật PCCC năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Nghị quyết 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, luật cần bám sát thực tế, thực tiễn, sát hợp với chức năng, nhiệm vụ để phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, nhà trường cần phát huy truyền thống, giữ vững đoàn kết nội bộ, thống nhất trong tổ chức và hành động để tập trung đầu tư xây dựng Trường Đại học PCCC với quy mô và tầm vóc lớn hơn, với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, để nhà trường thực sự trở thành trung tâm đào tạo đầu ngành, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực PCCC và cứu hộ, cứu nạn ở Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và ngành Công an giao phó. Tập trung chuẩn bị thật kỹ cho định hướng nâng cấp trường thành Học viện PCCC, để xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị thế hiện nay, coi đây là nhiệm vụ chính trị, mục tiêu trọng yếu trong thời gian tới. Cùng với đó, cần tập trung rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Đảng bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, phát huy hiệu quả. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các cơ sở đào tạo PCCC và cứu hộ, cứu nạn của các nước phát triển trên thế giới để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Thường xuyên đổi mới nội dung chương trình giảng dạy, tập trung đào tạo một số lĩnh vực chuyên sâu mà đất nước đang cần, như: PCCC rừng; cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp sự cố các công trình cao tầng; cứu hộ, cứu nạn các sự cố sập hầm mỏ, sạt lở đất, đá; cứu hộ, cứu nạn trên sông biển… Xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, theo từng chuyên đề, phù hợp với tính chất đặc điểm đặc thù về công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ ở từng địa phương, ngành lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở của nhà trường đã thành sản phẩm, được ứng dụng vào thực tế và rất hữu ích như xe chữa cháy rừng đa năng; rô bốt cứu nạn, cứu hộ dưới nước; hệ thống báo cháy, chữa cháy thu nhỏ sử dụng trong phòng thí nghiệm... Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế thì vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần nhà trường tiếp tục nghiên cứu như vấn đề PCCC với các thành phố thông minh, siêu đô thị; vấn đề nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ mang thương hiệu Việt Nam, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, tự chuyển hóa và chú trọng công tác giáo dục truyền thống, tác phong, tinh thần, thái độ học tập, lòng yêu nghề và đạo đức người chiến sỹ Công an nhân dân cho cán bộ, giảng viên, học viên. Chú ý đến việc rèn luyện thể lực, tính kỷ luật, kỷ cương, bản lĩnh, tâm lý, lòng dũng cảm, vì công việc của các đồng chí sau này là rất vất vả và khó khăn. Vì vậy, học viên phải được đào tạo một cách chu đáo, bài bản ngay từ khi còn trong ghế nhà trường…
+ Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã tham quan phòng kiểm định và xác định thông số cháy, nổ của vật liệu; phòng thí nghiệm thủy lực và cung cấp nước chữa cháy; thăm quan đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ học tập, tham quan thư viện. Đoàn cũng trực tiếp xem diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trồng cây lưu niệm tại trường.